Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong ASEAN, Tổng cục Hải quan chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23 từ ngày 02-06/06/2014 tại khách sạn Đà Lạt Palace, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 70 đại biểu quốc tế đến từ Đoàn Tổng cục trưởng Hải quan các nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Tổng thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Hàn Quốc, Hải quan Nhật Bản, Hội đồng Kinh doanh ASEAN Hoa Kỳ (US ABC), Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á Thái Bình Dương (CAPEC).

Thời gian qua, Hải quan ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN như ký kết Hiệp định Hải quan ASEAN, bước đầu tạo dựng các khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện hệ thống quá cảnh ASEAN, thiết lập được cơ chế Hải quan một cửa quốc gia tại tất cả các nước ASEAN, xây dựng các khuôn khổ pháp lý và kỹ thuật cho việc hình thành cơ chế một cửa ASEAN... Bên cạnh những thành tựu này, Hải quan ASEAN cũng nhận thấy những khó khăn thách thức xuất phát từ những thay đổi lớn đối với môi trường hoạt động của Hải quan, sự gia tăng liên kết và hội nhập nội khối cũng như giữa ASEAN với các nước đối thoại qua việc triển khai thực hiện một loạt các thỏa thuận kinh tế, đầu tư, thương mại tự do song phương, khu vực.

Giai đoạn 2014-2015 được coi là thời điểm quan trọng để chuyển sang một giai đoạn mới của quá trình hợp tác, hội nhập và liên kết ASEAN - giai đoạn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Giai đoạn này đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện một nghị trình Hải quan mới phù hợp với bối cảnh và cam kết ASEAN. Do vậy, Hải quan Việt Nam lựa chọn chủ đề của Hội nghị Tổng cục trưởng lần thứ 23 là “Nghị trình Hải quan mới cho cộng đồng ASEAN” nhằm thảo luận và đưa ra các định hướng, kế hoạch hành động và chương trình công tác của Hải quan các nước ASEAN trong giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23 sẽ tập trung vào những nội dung chính sau: Điểm lại kết quả và các nội dung được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Hội nghị Cấp cao; Thảo luận và thông qua báo cáo của các Ủy ban và Nhóm làm việc liên quan như Ủy ban chỉ đạo Hải quan một cửa quốc gia (ASWSC), Ủy ban điều phối Hải quan ASEAN (CCC), Nhóm làm việc về Thủ tục Hải quan và tạo thuận lợi thương mại (CPTFWG), Nhóm làm việc về Thực thi và tuân thủ Hải quan (CECWG), Nhóm làm việc về Xây dựng năng lực Hải quan ASEAN (CCBWG); Rà soát các Kế hoạch chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN vạch ra đường hướng và xây dựng Chương trình nghị sự mới cho giai đoạn 2016-2020; Tiến hành tham vấn với các bên đối thoại và khu vực tư nhân. Cụ thể là Phiên tham vấn lần thứ 8 với Tổ chức Hải quan Thế giới, Phiên tham vấn lần thứ 12 với Hải quan Trung Quốc, Phiên tham vấn lần thứ 10 với Hải quan Hàn Quốc và Phiên tham vấn lần thứ 16 với Hải quan Nhật Bản, Phiên tham vấn thứ 17 với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ (US ABC), Phiên tham vấn lần thứ 12 với Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á Thái Bình Dương (CAPEC).

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh: “Trong khi Hải quan ASEAN chúng ta tiến hành Hội nghị với tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, tôi rất lấy làm tiếc thông báo với các bạn rằng: từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - một nước thành viên ASEAN và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và tự do thương mại trong khu vực Đông Nam Á.

Rất mong các bạn đồng nghiệp chia sẻ với  quan điểm của Việt Nam là cần giải quyết vấn đề này một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”.

Thanh Hà