Tại Hội Thảo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia, xây dựng và ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30, nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26).
Đây sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu của Chương trình là khá rộng, và việc tìm các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của tất cả các cơ quan Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp liên quan cũng như sự quyết liệt vào cuộc, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ biến những thách thức thành cơ hội, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đánh giá cao sự chủ động của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong việc tổ chức Hội thảo khoa học. Đây là Hội thảo có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có thêm thông tin, học hỏi kinh nghiệm; trên cơ sở đó, thúc đẩy các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero. Điển hình là triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không Carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung; triển khai “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu/khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Điều này cũng phù hợp nội dung Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực có động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.
Hội thảo tập trung đưa ra kế hoạch, giải pháp, định hướng cụ thể triển khai chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam đối với 5 nhóm ngành cụ thể: Năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và phát triển hạ tầng, nông – lâm nghiệp và bảo vệ môi trường; những chính sách và quy định pháp luật về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hướng tới phát thải ròng về không; chương trình hành động của một số doanh nghiệp; Trường đại học…
Thanh Huyền