Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Kết quả, trong 409 phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 phiếu (22,25%) tán thành việc không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1 phiếu không chọn phương án nào.
Bắt giữ nhóm đòi nợ thuê ở Lạng Sơn
Trong đó, có người đề nghị có quy trình thực hiện dịch vụ này để các doanh nghiệp hoạt động theo các quy định phù hợp pháp luật.
Ý kiến khác đề nghị không có hình thức này trong Luật Đầu tư. Vì các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ, nếu quy định nội dung này trong Luật Đầu tư sẽ tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật, một số đại biểu cho rằng không quản lý được thì “cấm” là không chính xác.
Trong khi đó, có ý kiến đồng ý không quy định cấm nhưng gợi ý nên đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ”. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn tỉnh Quảng Trị cho rằng, không nên cấm loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Theo ông, chỉ nên cấm khi không có phương án nào khác. “Nếu cấm thì không khác gì chúng ta nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, tức là từ chỗ gần như không quản sang cấm tuyệt đối. Ở đây thực chất không phải không quản được thì cấm mà chưa quản đã cấm”, ông Đồng nêu.
Việc này để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo đánh giá tác động với loại hình kinh doanh này của Chính phủ, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 84 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, 62 tại Hà Nội.
Thiên Trường