Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê làm 'nóng' nghị trườngCấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê làm 'nóng' nghị trường

Về vấn đề này, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo ông Tiến, loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc nhức nhối cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về Luât đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc kinh doanh đầu tư có điều kiện nên nếu xóa bỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị đang hoạt động.

Từ đó đại biểu Tiến đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.

Một số ý kiến của đại biểu cũng cho rằng dịch vụ đòi nợ biến tướng, trở thành hoạt động của các băng nhóm, xã hội đen, đe dọa tính mạng người dân, trật tự an toàn xã hội, nên việc cấm dịch vụ này là hoàn toàn hợp lý.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thống nhất phương án không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi "không thể ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân kinh doanh còn nhà nước tìm cách quản lý phù hợp".

"Thực tế cấm mà nhu cầu xã hội cần thì dịch vụ này vẫn tồn tại và hiện nay có trường hợp trá hình nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen”, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh”, ông Hoà nhấn mạnh.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia không cấm nhưng quy định rất chặt chẽ về điều kiện kinh doanh với loại hình dịch vụ này, từ điều kiện thành lập đến quy trình thu hồi nợ…

“Nhiều nước thậm chí còn quy định thời gian được phép gọi điện thoại đòi nợ, Thái Lan là từ 8h đến 20h, ở Mỹ là từ 8h đến 21h, không được muộn hơn; hoặc trong quá trình đòi nợ không được tiếp cận, làm phiền với hàng xóm của người vay nợ", ông Ngân dẫn chứng.

PV