Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thời gian qua, đã có tình trạng các đối tượng giả danh là người của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng hay các cơ quan chuyển phát bưu phẩm gọi điện thoại có nội dung đe dọa, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng trên, Cục viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng sử dụng biện pháp kỹ thuật để chặn các cuộc gọi lừa đảo. Trên cả nước, tính trung binh, 1 tuần có khoảng 8-10 vụ việc nạn nhân bị rơi vào bẫy lừa đảo, trình báo với cơ quan công an.

Một nhóm lừa đảo qua điện thoại do Lê Duy Hải, 27 tuổi, ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cầm đầu, mới đây đã bị công an tỉnh này triệt phá. Hải đã chỉ đạo nhân viên gọi điện thoại lừa đảo, thông báo người dùng trúng thưởng điện thoại iPhone X cùng phiếu mua hàng tại siêu thị, yêu cầu người trúng thưởng phải đóng 10% giá trị giải thưởng (tương đương khoảng 3 triệu).

Phương thức tinh vi của tội phạm là sử dụng công nghệ để tạo ra những số điện thoại gần giống với số của Bưu chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng để gọi điện đến người dân. Các số điện thoại lừa đảo hầu hết là cuộc gọi có đầu số quốc tế về Việt Nam, sử dụng hàng loạt đầu số với những mã quốc gia không có thực như: +375, +371, +381, +563, +370, +255.

Các nhà mạng mới đây đã áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, xác định được số điện thoại lừa đảo để chặn ngay theo thời gian thực.

Theo Cục viễn thông, trong tháng 8 vừa qua, đã có hơn 4,7 triệu cuộc gọi có tính chất giả mạo đã bị các nhà mạng chặn. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên nghe và trả lời số nước ngoài nếu không có người thân ở nước ngoài, không gọi lại các cuộc gọi nhỡ là số nước ngoài, tuyệt đối không chuyển tiền và thông tin cá nhân qua điện thoại.

Theo cơ quan công an, nếu trước dây, trung bình 1 tuần có tới 20 vụ việc lừa đảo qua điện thoại được nạn nhân trình báo,thì nay giảm xuống 8-10 vụ /tuần, thậm chí có tuần chỉ có 2 vụ. Nếu trước có tới 40% người dùng sẽ nghe cuộc điện thoại lạ gọi từ nước ngoài về, nay chỉ còn khoảng 10%.

Tâm An