Theo đại diện MobiFone cho biết, doanh nghiệp này đã xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn "cuộc gọi rác" sử dụng công nghệ Big Data - AI và học máy (machine learning) trong việc phân tích xác định tập thuê bao nghi ngờ.
Bên cạnh đó, việc khảo sát ý kiến phản hồi của khách hàng sẽ giúp nhà mạng khẳng định thuê bao đã thực hiện cuộc gọi không mong muốn/"cuộc gọi rác", để có đủ cơ sở, thông tin xử lý sau chặn khi có khiếu nại của khách hàng bị chặn.
Các nhà mạng sử dụng công nghệ để ngăn chặn "cuộc gọi rác"
Được biết, MobiFone đã triển khai thử nghiệm và hoàn thiện các tính năng của hệ thống trên một tập khách hàng từ tháng 4. Đại diện nhà mạng này cũng cho rằng, để đảm bảo việc phối hợp liên mạng hiệu quả và chặt chẽ, nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác cần sớm được chính thức ban hành, để các nhà mạng có căn cứ pháp lý chính thức cũng như các tiêu chí chung cụ thể rõ ràng về "cuộc gọi rác".
Cùng với đó, đại diện Viettel cũng cho biết, nhà mạng này đã xây dựng hệ thống ngăn chặn "cuộc gọi rác" và tiến hành thử nghiệm thành công, trên cơ sở đó báo cáo Bộ Bộ Thông tin - Truyền thông, đề xuất các tiêu chí phát hiện "cuộc gọi rác", cách thức, quy trình cụ thể để ngăn chặn các cuộc gọi spam thoại. Viettel sẽ chính thức áp dụng ngăn chặn spam thoại từ tháng 7/2020.
Nhằm hạn chế tối đa những cuộc gọi hay tin nhắn "rác", Viettel đã nhắn tin truyền thông cảnh báo đến 71 triệu thuê bao di động theo tần suất hàng tháng. Liên quan đến các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, đại diện Viettel cho biết sẽ rà soát các đầu số thuê bao theo quy định của Bộ Bộ Thông tin - Truyền thông, của Liên minh viễn thông thế giới để đảm bảo các số chủ gọi theo quy định đối với cuộc gọi có trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Viettel cũng xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn, lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Nhà mạng này cho biết đã chặn lọc được hàng trăm nghìn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.