Quy định đang được xây dựng nhằm định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội về chuẩn mực văn hóa phát ngôn, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật phát ngôn, giữ gìn truyền thống văn hóa của người Hà Nội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Hướng tới chuẩn mực văn hóa phát ngôn cho cán bộ, công chức Hà Nội - Hình 1

 Hướng tới chuẩn mực văn hóa phát ngôn cho cán bộ, công chức Hà Nội (Ảnh minh họa)

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo chức năng, nhiệm vụ có quyền và trách nhiệm phát ngôn; nội dung, phạm vi vấn đề phát ngôn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo dự thảo quy định, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công) và chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng để bảo đảm việc phát ngôn hiệu quả.

Cán bộ, công thức, viên chức, người lao động của Hà Nội cũng không được phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Dự thảo quy định còn đưa ra những yêu cầu cụ thể về thái độ, cử chỉ khi phát ngôn, ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn; cũng như tiếp nhận và xử lý tình huống.

Người vi phạm quy định tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.  

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan thường trực triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này sau khi được ban hành. Đồng thời Thủ trưởng các cơ quan thuộc thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quán triệt quy định này đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị; kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ sai phạm.

Duy Thế