Ngày 27/2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng. Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, công an thành phố cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn này. Đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan chức năng và từng đơn vị về vấn đề PCCC, đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu các địa phương tiếp tục phải bám sát tiến độ của Kế hoạch để thực hiện hiệu quả, đặc biệt là trang bị các phương tiện PCCC nhằm triển khai phương án "4 tại chỗ". Đối với những địa bàn có các ngõ hẹp, cần có "Điểm chữa cháy công cộng" hỗ trợ công tác này. Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó, người đứng đầu cần nêu gương trong triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát để khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân - đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của kế hoạch. |
Thời gian qua, PCCC trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được các cấp quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương còn lơ là, chủ quan trong việc công tác PCCC.
Đơn cử, tại xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm còn nhiều bất cấp trong công tác PCCC gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Nành do vi phạm về công tác PCCC cứu nạn, cứu hộ kiểm tra ngày 30/10/2022, tại thời điểm kiểm tra an toàn PCCC&CNCH nhận thấy Công trình có 04 khu trong đó: Khu A đã được thẩm duyệt và cấp văn bản nghiêm thu hệ thống PCCC. Một phần khu B hoạt động năm 2003 đã được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC…..
Một phần khu B xây dựng năm 2009, khu C, D chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC dẫn đến tổng công trình không đảm bảo lối tiếp cận cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, lối ra thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, hệ thống phương tiện PCCC, giải pháp thông gió thoát khói…. Do đó, chợ Nành bị tạm đình chỉ hoạt đồng thời gian từ 8h ngày 2/11/2022 đến 8h ngày 1/12/2022 văn bản do Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm đã ký Quyết định số 185/QĐTĐC-CAGL-PCCC.
Ông Phạm Xuân Quang - Phó Trưởng Công An huyện Gia Lâm trao đổi về công tác PCCC tại chợ Nành cho biết Công an huyện đã có tờ trình báo cáo lên thành phố xử lý hai lần, đã thực hiện nộp vi phạm 90 triệu đồng và báo cáo về thực trạng của chợ Nành. Và trong thời gian 30 ngày theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tái kiểm tra cơ sở sau khi đã xử lý vi phạm, trong trường hợp xảy ra nghiêm trọng có thể kiểm tra đột xuất cơ sở”.
Theo quan sát thực tế của phóng viên, vào tháng 3/2023 công tác PCCC của chợ Nành vẫn không có nhiều thay đổi so với trước đây.
Năm 2019, chợ Nành đã bị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 100 triệu đồng nhưng tại chợ Nành vẫn còn tồn tại những vi phạm không bảo đảm an toàn về PCCC như: giao thông phục vụ chữa cháy không đảm bảo; khoảng cách từ chợ đến nhà dân không an toàn; lối thoát nạn bị lấn chiếm… |
Nhưng đến ngày 13/3/2023, phóng viên tòa soạn Thương hiệu và Công luận có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thiết – Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết vào đầu năm 2023 sau khi tái kiểm tra chợ Nành đã tiếp tục bị phạt một lần nữa do chưa hoàn thành công tác PCCC, do phía chợ Nành đã hoạt động từ rất lâu và đang lấy ý kiến của các hộ kinh doanh tiếp tục chuẩn bị công tác cải tạo chợ.
Câu hỏi đặt ra, sau nhiều lần kiểm tra và bị phạt vì vi phạm trong công tác PCCC nhưng sai phạm “đâu vẫn hoàn đấy” đây là có phải trường hợp phạt cho có và “mặc kệ” tính mạng của những hộ kinh doanh và khách hàng khi đến chợ Nành?
Thời gian qua, lực lượng chức năng toàn địa bàn Hà Nội đã tổng rà soát và ra nhiều văn bản tạm đình chỉ những cơ sở không đảm bảo quy định PCCC, tuyên truyền công tác PCCC đến từng chung cư, tập thể, từng hộ gia đình, từng người dân.
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, khu chợ Nành hàng nghìn m2 vẫn hoạt động, bất chấp nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra?.
Không chỉ riêng chợ Nành mà một số công trình khác đòi hỏi công tác PCCC trên địa bàn xã Ninh Hiệp cũng diễn ra tình trạng tương tư, điển hình khi phóng viên ghi nhận thực tế công tác PCCC trên địa bàn xã, tại Trung tâm văn hóa thể thao xã Ninh Hiệp được “hô biến” thành bãi giữ xe ô tô hàng trăm lượt ra vào trong một ngày, mỗi lượt ra vào thu vào là 30.000 đồng và không hề có phiếu thu giữ.
Khi phóng viên hỏi ở đây có việc trông giữ xe và thu tiền hay không và công ty nào đang khai thác, có tham gia đấu giá để làm bãi trông giữ xe hay không thì ông Thiết cho hay: “Chắc họ có thu dịch vụ gì đó"!?
Phải chăng xã biết việc đất công bị sử dụng sai mục đích nhằm thu lợi nhưng cứ để mặc kệ trong một thời gian dài?
Ông Thiết cho biết hiện tại trung tâm này đã có quyết định về việc ban hành quy chế thực hiện dịch vụ và đang giao cho một cá nhân trông coi. Việc để khu Trung tâm văn hóa thể thao thành bãi trông giữ xe cũng chưa được cấp phép. Trước tết đã có buổi làm việc yêu cầu cá nhân này phải thực hiện đầy đủ các quy định khi muốn khai thác này (trông giữ xe-PV) phải được cấp phép và có đơn vị tư cách pháp nhân, làm mã số thuế” nhưng đến nay vẫn chưa làm xong.
Được biết, dịch vụ trông giữ xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được cấp phép, phải được đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự. Hơn nữa trung tâm văn hóa được sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng phục vụ mục đích công cộng, nên việc sử dụng tài sản công để làm nơi trông giữ xe và thu phí cần phải được xem xét kỹ càng, nếu không đây có thể là hành vi sử dụng sai mục đích đất, chiếm dụng đất công để phục vụ lợi ích cá nhân.
Để bảo đảm an toàn PCCC tại các điểm trông giữ xe, Cảnh sát PCCC khuyến cáo: Các bãi đỗ xe cần có đầy đủ các hệ thống, thiết bị, phương tiện về PCCC và đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Trong đó hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy, hệ thống thông gió, hút khói và chiếu sáng sự cố là những phương tiện cần đặc biệt lưu ý. Các điểm trông giữ xe cần bảo đảm các điều kiện an toàn trên lối thoát nạn: không để chướng ngại vật, đóng khóa cửa trên lối thoát nạn; trang bị đầy đủ phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; bảo đảm đủ số lối thoát nạn theo quy định, lối thoát phải đủ kích thước theo số người tập trung đông nhất. Việc bố trí, sắp xếp xe phải đảm bảo chiều rộng lối thoát nạn, đường giao thông nội bộ, mật độ lưu giữ xe, khoảng cách PCCC đến các công trình lân cận theo quy định. Thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt và các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Phải đảm bảo các điều kiện ngăn cháy đối với các khu vực nhạy cảm như khu vực lưu giữ xe, trạm bơm chữa cháy, phòng máy phát điện, máy biến áp, phòng kỹ thuật điện phải được cách ly với khu vực xung quanh bằng các giải pháp ngăn cháy phù hợp. Kiểm tra, khắc phục các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng và có thông số phù hợp, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây cháy. |
(Bài viết hưởng ứng chỉ đạo của thành phố Hà Nội về công tác tuyên truyền Phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự).
Trang Nguyễn