Những năm gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cùng với sự năng động, thích ứng nhu cầu của thị trường của người dân, kinh tế nông nghiệp của huyện Nam Đàn đã có nhiều khởi sắc theo hướng hàng hóa.
Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển đa dạng. Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP theo chủ trương chung của Chính phủ và Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.
Hiện các chủ thể OCOP như: HTX Sen Quê Bác, giò me Vân Thu, tương Nam Anh, HTX Chanh Nam Kim, HTX Xanh Đại Huệ, giò me Minh Hiền, giò me Sơn Cẩm, giò me Châu Hường... đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng qua các năm. Nam Đàn cũng đã dành nguồn ngân sách để xây dựng chỉ dẫn địa lý tương Nam Đàn hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Qua đó, tạo điều kiện tối đa trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã đạt.
Huyện Nam Đàn cũng có những chính sách phù hợp để động viên bà con tiếp tục phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho người dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện sản phẩm OCOP, huyện Nam Đàn không chủ trương chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Huyện Nam Đàn cũng luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường. Các sản phẩm OCOP chuẩn hóa của mỗi xã theo chu trình các bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” của huyện Nam đàn luôn xác định hướng đến phát triển kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP của huyện Nam Đàn được gắn với phát triển du lịch, vì vậy thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường quảng bá, kết nối, đưa sản phẩm lan tỏa trên phạm vi cả nước và vươn ra thị trường thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ thương mại, triển lãm; quảng bá trên các phương tiện thông tin, các trang điện tử.
Việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch, miền đất, con người huyện Nam Đàn đến với du khách thập phương; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương. Đây cũng là cách để tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Có thể nói, việc thực hiện thành công Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện Nam Đàn đã và đang nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm. Đồng thời, thực hiện lại cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về sản xuất thu nhập hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Lê Quyết