Đây là hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022” được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, có lợi thế và tiềm năng tại các địa bàn miền núi và hải đảo; cung cấp các thông tin về thực trạng và tiềm năng sản xuất - kinh doanh các sản phẩm của các huyện miền núi, huyện đảo, làm tăng hiệu ứng lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm miền núi và hải đảo và thu hút đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các huyện miền núi, huyện đảo.

​Đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai Chương trình; đề xuất các hình thức tuyên truyền, quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời kiến nghị một số giải pháp, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.

hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022”
Hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022”.

​Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm vùng miền; đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến, cả trong nước và nước ngoài là việc làm thiết thực được nhiều ban ngành chức năng quan tâm.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, kết nối bám sát mục tiêu và nội dung của Chương trình. Từ đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, hình thành đội ngũ doanh thương nhân, các loại hình doanh nghiệp và bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng hiện đại, bền vững.

Minh Anh