Đặt trọn vẹn lòng tin và ví tiền vào lữ hành, song thay vì chuyến du lịch Tết ưng ý, nhiều khách thất vọng tràn trề với vô số tiểu xảo, cẩu thả của nhà tổ chức tour.

Thân đau, bụng đói

Giám đốc Asiana travel Trịnh Việt Dũng cho biết tour tết Âm lịch đắt nhưng dịch vụ có thể kém hơn ngày thường vì ít người muốn làm việc trong dịp này. Nhiều nhà hàng, điểm mua sắm - giải trí đóng cửa nên lữ hành khó chọn dịch vụ tốt...

Nhưng như vậy, lữ hành càng phải tìm cách khắc phục tối đa, chứ khách du lịch không có nghĩa vụ chấp nhận “quy luật khách quan” đó!

Anh Trịnh Minh Hiếu (ngõ Thông Phong, quận Đống Đa - Hà Nội) nhớ đời chuyến du lịch Hà Giang mùng hai Tết Quý Tỵ 2013. Đoàn gồm 22 khách và hướng dẫn viên được lữ hành “nhồi” lên xe Huyndai 29 chỗ với năm ghế phụ không có chỗ tựa đầu. Chưa ra khỏi Hà Nội, một số khách đã lo ngại xe chật quá đi sẽ mệt. Y như rằng, vì không thể ngồi hàng ghế cuối xóc long sòng sọc, anh Hiếu và một anh khác phải ngồi ghế phụ trong quá nửa hành trình.

Thịt gà dai quá, khách phải dùng kéo cắt nhỏ cho nhau. Bữa ăn sau đó thừa đầy mâm.

“Đầu chúng tôi thì ngoặt ngoẹo, về tới nhà đau nhừ mình mẩy. Nhân viên bán tour cũng nói trước số lượng khách, nhưng giá như tư vấn thêm có thể phải ngồi ghế phụ, tôi sẽ đi chuyến sau”, anh Hiếu kể.

Hành trình cực nhọc, song bữa trưa tại thị trấn Yên Minh (Yên Minh, Hà Giang) quá tệ. Hướng dẫn viên dẫn đoàn vào một quán cơm phở, giới thiệu là nhà bạn. Mâm cơm khá nhiều món nhưng lạp xườn kiểu Mông thì cứng, thịt gà thì dai và thịt lợn rán kiểu xá xíu thái dày cộp, giữa còn đỏ hỏn.

Thấy vậy, chủ quán nhiệt tình mời thêm đĩa bánh chưng đen - được giới thiệu là đặc sản địa phương, song ăn miếng đầu tiên thì thấy bánh đã để lâu, không còn thơm ngon. Bát canh rau cải luộc gọi thêm, hóa ra là món ngon và dễ ăn nhất. Một nữ hành khách đành mở lọ muối vừng mang theo rắc vào cơm ăn cho xong bữa. Đoàn ăn chóng vánh, bỏ lại hai mâm gần như còn nguyên đồ ăn.

Như lừa khách

Tết vừa qua, hai chị em bà Đặng Thị Lan (phố Thụy Khuê, quận Ba Đình - Hà Nội) hí hửng tham gia tour ghép khách lẻ đi Hà Giang. Trên trang web của lữ hành lẫn tờ chương trình phát cho khách đến nộp tiền (đóng dấu treo của công ty) đều giới thiệu:Thứ tư ngày 13/2/2013, đoàn có cơ hội thăm chợ Mèo Vạc đông và tập trung nhiều dân tộc nhất vùng cao nguyên đá.

Đến sáng ngày khởi hành, cô nhân viên bán tour đi cùng xe phát cho khách tờ chương trình mới: Đoàn có thể có cơ hội thăm quan chợ Mèo Vạc - nếu vào chủ nhật hằng tuần (!) Nhưng thực tế, sau rằm tháng Giêng, các phiên chợ huyện ở Hà Giang mới họp lại. Việc “đính chính” của lữ hành vô hình trung lại lộ ra việc họ nói dối để chào mời khách.

Khách nhiệt tình mua thổ cẩm ủng hộ đồng bào, song không hài lòng với kiểu “vẽ” ra chương trình hấp dẫn để thu hút khách.

Chương trình còn nội dung thăm làng dệt lanh Lùng Tám, khách tìm hiểu cách dệt vải lanh truyền thống của dân tộc H’Mông trắng. Khách chịu khó tìm hiểu thông tin trước sẽ biết đây là làng nghề du lịch nổi tiếng với mô hình hợp tác xã tập hợp phụ nữ sản xuất kết hợp trình diễn quy trình làm nên một tấm vải lanh và bán hàng thổ cẩm... Đoàn đến nơi, chỉ thấy một bà vận trang phục miền xuôi niềm nở mời khách vào căn phòng bán hàng lưu niệm vì thợ nghỉ Tết, khu sản xuất đóng cửa!

Bà Lan nhớ lại, một số khách đã bày tỏ thái độ bực bội vì không được tham quan đúng nội dung chương trình.

Ông Cao Quốc Chung, Phó giám đốc chi nhánh Công ty thương mại & du lịch Á đông tại Hà Nội, lắc đầu: “Bán tour kiểu này cho khách quốc tế, dù vô tình hay cố ý, lữ hành vẫn phải đền tiền mệt nghỉ”.

Trâu chậm uống nước trong

Chủ các doanh nghiệp lữ hành luôn lưu ý khách đặt tour trọn gói hay dịch vụ Tết âm trước khởi hành 1-1,5 tháng hòng tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng với giá đắt, thậm chí đủ tiền vẫn phải ở nhà tắm chậu vì hết chỗ! Nhưng trong Tết Giáp Ngọ 2014, tư vấn này không có nhiều ý nghĩa.

“Nếu không câu nệ ngày khởi hành đẹp, khách nên mặc cả sát giá vì có thể được giảm sâu hơn mức khuyến mãi”, bà Lan tư vấn.

Bà Bùi Thị Tuyết Lan, Giám đốc Công ty thương mại & du lịch Quốc tế, cho biết mỗi ngày nhận được vài ba chục thư điện tử, tin nhắn của nhiều lữ hành lớn nhỏ rao bán lẻ vé máy bay đi Thái Lan, Singapore, Malaysia với giá “dường như rẻ hơn vé đoàn”. Số dịch vụ này được lữ hành đặt cọc từ vài ba tháng trước để bán tour trọn gói, nhưng sức mua kém quá phải “đẩy” ra bán lẻ, tránh mất trắng tiền đặt cọc. Nhiều đơn vị khác mời gửi khách mua tour trọn gói đi một số nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc, Mỹ với mức “hoa hồng” cao hơn thông thường 20-100 USD.

Đại diện chi nhánh Hà Nội của Công ty du lịch Trần Việt phàn nàn sau hai đợt giảm một triệu đồng/khách tại tất cả các tour Tết từ giữa tháng trước, vẫn còn thừa hơn 20% số chỗ đã “ôm”. “Chúng tôi khuyến mãi nhằm hỗ trợ trực tiếp cho khách, còn hơn mất trắng tiền đặt cọc 50% giá vé máy bay”. Vì thế, dù chấm dứt khuyến mãi từ ngày 14/1, song ông này vẫn để ngỏ khả năng có thể bán tour giờ chót đối với vài đoàn còn thừa nhiều chỗ, với mức giảm không quá một triệu đồng/khách.

Thở phào vì không bán tour tết, bà Bùi Thị Tuyết Lan dự đoán trước tết 10-12 ngày (sát thời điểm lữ hành phải xuất vé máy bay) sẽ có đợt “bán tháo” cho khách lẻ. Lưu ý, một số công ty lớn thường không công bố khuyến mãi trên trang web vì còn giữ thể diện và sợ khách mua trước phản ứng. Thay vào đó, họ âm thầm giảm giá cho khách trực tiếp liên hệ.

Theo Vietnamnet