Phát triển vùng chuyên canh
Qua thử nghiệm trồng nhiều loại cây trên dải đất ven sông Hồng, chủ yếu là cây màu và cây có củ, cây nghệ được lựa chọn như một loại cây “cứu cánh” cho địa phương, với nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại cây trồng khác như năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành vừa phải, giá bán cao.
Các yếu trên đã khiến cây nghệ nhanh chóng trở thành loại cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của xã Chí Tân.
Khoái Châu (Hưng Yên) làm giàu từ cây nghệ
Từ xa xưa, cây nghệ vàng đã được ông cha ta coi như một loại thảo dược chữa bách bệnh. Nhiều bài thuốc dân gian đã được truyền lại từ nhiều đời nay như: nghệ với mật ong chữa dạ dày, bột nghệ chữa bỏng, tăng sức đề kháng của cơ thể, hay dùng để làm gia vị trong các món ăn truyền thống, dùng làm mỹ phẩm và chữa các vết thâm nám, sẹo...
Năm 2016, toàn xã có trên 200 ha diện tích trồng nghệ, chủ yếu là giống nghệ vàng, một phần diện tích nhỏ trồng nghệ đen. Đa phần diện tích trồng nghệ tập trung ở vùng đất bãi ven sông Hồng, một phần khác nhỏ hơn rất nhiều được trồng trong các vườn nhà. Đến xã Chí Tân, đâu đâu cũng thấy nghệ, từ trong nhà ra ngoài vườn, ngoài ruộng, ngoài bãi, người dân nói chuyện cũng về cây nghệ, về trồng nghệ, bán nghệ...
Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng nghệ, vì nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, công chăm sóc ít hơn, thị trường đầu ra cũng thuận lợi hơn nhiều so với cây lúa và một số cây trồng khác.
Cây nghệ mới gắn bó với người dân ở xã Chí Tân khoảng hơn 50 năm qua, nhưng hiện nay Chí Tân được biết đến là vùng trồng nghệ tập trung lớn nhất đồng bằng sông Hồng, với các sản phẩm có chất lượng cao và sản lượng lên tới gần 9.000 tấn củ tươi/năm.
UBND tỉnh Hưng Yên và UBND huyện Khoái Châu khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng nghệ theo hướng hiệu quả và bền vững, chuyển đổi diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây nghệ. Dự kiến, năm 2017, có gần 60 ha diện tích đất nông nghiệp của xã Chí Tân tiếp tục được chuyển đổi sang trồng cây nghệ.
Cách nào bảo vệ danh tiếng sản phẩm?
Không chỉ phát triển trồng củ nghệ tươi, vài năm trở lại đây, ở Chí Tân đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nghệ, chủ yếu là bột nghệ và tinh bột nghệ, từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Đây là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo nền tảng bền vững cho cây nghệ ở địa phương.
Hiện trên địa bàn xã có 5 cơ sở chế biến tinh bột nghệ, cung cấp ra thị trường các sản phẩm mang thương hiệu “Nghệ Chí Tân”. Diện tích tăng, nghệ được giá, nhiều nông hộ trong xã đã thoát nghèo, làm giàu từ việc trồng, thu mua, chế biến nghệ. Nghệ Chí Tân và các sản phẩm liên quan đến nghệ được thương lái và người tiêu dùng rất chuộng bởi có chất lượng tốt.
Thị trường tiêu thụ của sản phẩm nghệ Chí Tân tương đối dễ dàng và rộng mở. Mặc dù vậy, người sản xuất và kinh doanh sản phẩm nơi đây vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ép giá của các tư thương, đặc biệt là tình trạng đội lốt thương hiệu, giả mạo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Ngay tại xã Chí Tân, nghệ được thu mua ở các địa phương khác, bán với tên thương hiệu “Nghệ Chí Tân” gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và thu nhập của người nông dân. Do đó, mong muốn lớn nhất hiện nay của người dân trồng nghệ xã Chí Tân nói riêng và huyện Khoái Châu nói chung là có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi xâm phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm nghề; đồng thời phát huy được lợi thế, uy tín về danh tiếng của sản phẩm.
Tiềm năng phát triển của cây nghệ ở xã Chí Tân, cũng như huyện Khoái Châu là rất lớn, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nghệ cũng rất nhiều. Tuy nhiên, cần có các biện pháp, công cụ hữu hiệu để cây nghệ phát triển bền vững; sản phẩm phát huy được uy thế và mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, luôn là trăn trở của lãnh đạo địa phương, cũng như mỗi người dân nơi đây.
Nguyễn Tuấn