Độc nhất vô nhị

Nghề tre trúc hun khói ở xã Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) được xếp vào hàng "độc nhất vô nhị" trong các nghề truyền thống của Việt Nam.

Bởi lẽ, số lượng làng nghề sản xuất các sản phẩm liên quan đến mây, tre, trúc của Việt Nam không ít, hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre lại càng nhiều; nhưng nghề tre trúc hun khói giống như ở Xuân Lai thì rất ít. Đặc biệt, không làng nghề nào tạo ra được sản phẩm tre hun khói bền về chất lượng, đẹp về màu sắc và mẫu mã, lại có giá trị sử dụng cao như ở Xuân Lai.

Không ai nhớ chính xác nghề này đã có ở Xuân Lai từ bao giờ. Nhưng theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề phải có từ vài trăm năm trước. Vì khi họ lớn lên, đã thấy cả làng làm thợ. Thời ấy, các cụ tự mày mò, sáng tạo để làm ra các đồ dùng chủ yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và dùng trong sản xuất nông nghiệp như đan thúng, rổ, rá, làm chõng tre, giường, tràng kỷ... với nhiều nét hoa văn độc đáo. 

Ngày nay, ngoài những sản phẩm trên, những nghệ nhân của làng Xuân Lai còn sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn từ mây, tre, trúc như xe đạp bằng tre, tranh tre, đèn tre...

Để có được những sản phẩm hun khói đẹp là cả một kỳ công. Sau khi khai thác, tre trúc thường được ngâm dưới ao vài tháng để tránh mối mọt, đồng thời tăng độ dẻo dai. Trước khi được vớt lên, tre được nắn thẳng và xếp vào lò hun bằng rơm trộn đất sét. Lò chỉ có khói, không có lửa và được trát kín nhiều ngày đêm.

Tuỳ thuộc vào màu sắc yêu cầu, thời gian được điều chỉnh phù hợp: Nếu là màu nâu, thời gian sẽ ngắn hơn; màu đen bóng yêu cầu thời gian hun dài hơn và có thể phải hun nhiều lần hơn.

Tạo màu sắc mong muốn đã khó, việc sử dụng nguyên liệu tre đã hun để tạo thành các vật dụng lại càng yêu cầu tính sáng tạo và sự khéo léo của người thợ Xuân Lai. Có biết bao các sản phẩm đã được tạo ra, từ các loại, bàn, ghế, xích đu, giường, tủ kệ sách báo... cho đến các loại bình phong, đèn khay... với các kiểu dáng và kích thước khác nhau. Tất cả, đều được người thợ Xuân Lai làm một cách kỹ lưỡng tạo nên sự chắc chắn mà vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp mộc mạc của chất liệu tre hun, mang chất đặc thù, không loại nguyên liệu nào có được.

Nghề tre trúc hun khói ở Xuân Lai cũng trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nghề truyền thống của làng thu hút ít lao động tham gia, các hộ trong làng vẫn chủ yếu sống bằng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, do hiệu quả kinh tế từ sản phẩm quá thấp.

Trước nguy cơ đó, một số người con tâm huyết của làng nghề ngày đêm trăn trở, lăn lộn, tìm hướng đi mới cho sản phẩm và làng nghề.

Từ năm 1990 trở lại đây, làng nghề Xuân Lai đang ngày càng khởi sắc hơn do đã tìm được hướng đi mới đúng đắn. Đó là tập trung vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng trong nước và không ngừng tìm kiếm các thị trường tiềm năng.

Mây tre đan Xuân Lai: Đổi mới trên đường hội nhập - Hình 1

 Xe đạp bằng tre - một sản phẩm sáng tạo của làng nghề mây tre đan Xuân Lai

 Khẳng định thương hiệu

Một trong những tấm gương tiêu biểu của làng nghề là cơ sở sản xuất của nghệ nhân Lê Văn Xuyên (Công ty Cổ phần Giải pháp Xuân Lai).

Là một người con tâm huyết và trăn trở với nghề tre trúc hun khói, ông Xuyên đã lăn lộn nhiều nơi để tìm kiếm nguyên liệu, thị trường, học hỏi mẫu mã sản phẩm và dốc vốn xây dựng nên cơ sở sản xuất với quy mô lớn ngay trong làng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và góp phần xây dựng hình ảnh lớn mạnh của làng nghề.

Cơ sở của ông đã thiết kế, thi công nhiều công trình lớn bằng tre ở Việt Nam. Bản thân ông Xuyên, được công nhận là nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh năm 2014. Cơ sở của ông, 2 lần vinh dự được các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và động viên. Sản phẩm của Công ty đã có mặt ở các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, EU và phân bổ rộng khắp ở thị trường trong nước.

Mây tre đan Xuân Lai: Đổi mới trên đường hội nhập - Hình 2

 Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm Công ty CP Giải pháp Xuân Lai

Thôn Xuân Lai hiện có 255 hộ dân làm nghề tre trúc, những cơ sở lớn như của ông Xuyên cũng có đến hơn 5 công ty, mang lại công ăn việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động, mức thu nhập từ 4-8 triệu/người/tháng, tuỳ thuộc vào tay nghề, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và xây dựng quê hương Xuân Lai ngày càng giàu đẹp.

Chính quyền tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Bình và xã Xuân Lai luôn quan tâm và hỗ trợ làng nghề, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho sản phẩm tre trúc Xuân Lai.

Ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn, thúc đẩy sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh đã phê duyệt và giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mây tre đan Xuân Lai” cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre của xã Xuân Lai, huyện Gia Bình”, nhằm bảo hộ thương hiệu “Tre trúc Xuân Lai” không bị xâm phạm trong thời kỳ hội nhập, gìn giữ và phát huy danh tiếng của làng nghề.

Bằng tài năng thổi hồn vào sản phẩm của các bậc nghệ nhân, bằng bàn tay tài hoa, tỉ mỉ và khéo léo của người thợ, bằng ý thức giữ gìn nghề truyền thống của những người con làng Xuân Lai, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, làng nghề Xuân Lai đang ngày càng phát triển, đứng vững trên thị trường.

Sản phẩm của làng nghề đã từng bước vươn xa, mang hình ảnh cây tre Việt đến với bạn bè thế giới, là xu hướng trang trí nội thất của nhiều công trình lớn, hiện đại, mang tính nghệ thuật và được người tiêu dùng ưa thích. Chất hoài cổ trong các sản phẩm làm từ mây tre của làng Xuân Lai - sẽ mãi mãi là những "sứ giả" mang nét văn hoá Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.

Nguyễn Tuấn