THCL Để khoai tây thực sự là một trong những cây trồng có tiềm năng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Quế Võ (Bắc Ninh), còn rất nhiều việc phải làm.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai tây

Phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có tác động không nhỏ đến việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Tác động bởi chính sách chuyển dịch cơ cấu nhằm phát triển kinh tế trên, hàng loạt các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp được xây dựng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển đổi sang mục đích phát triển ngành công nghiệp. Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là một trong số những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn, gây ảnh hưởng đến phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tác động không nhỏ đến đời sống và thu nhập của người dân địa phương.

Trước đây, người dân Quế Võ chỉ có nguồn thu nhập chính là từ sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất sản phẩm khoai tây đươc xem là cây trồng chính trong vụ đông. Mặc dù là vùng trồng khoai tây truyền thống, nhưng trước đây, cây trồng này chưa đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân Quế Võ. Trong những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với việc cơ cấu lại giống và có quy hoạch tổng thể, bài bản cho nên cây khoai tây đã trở thành cây làm giàu của người dân Quế Võ.

Khoai tây là loại cây trồng lấy củ rộng rãi nhất thế giới và là loại cây trồng phổ biến thứ tư về mặt sinh khối tươi - xếp sau lúa, lúa mì và ngô. Khoai tây được biết đến với nhiều công dụng, được xem là một trong những loại thực phẩm cung cấp tinh bột chính cho con người, khoai tây thường được dùng trực tiếp trong các bữa ăn, cung cấp nguyên liệu để sản xuất các loại đồ ăn nhanh. Ngoài ra khoai tây còn được sử dụng như một vị thuốc làm đẹp cho phụ nữ.

Với nhu cầu sử dụng ngày càng cao và nhận thức được thế mạnh của loài cây này, người dân huyện Quế Võ đã có những thay đổi trong cách thức canh tác, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích và thay đổi giống mới để phát triển sản phẩm. Theo kế hoạch, vụ đông năm 2015, toàn huyện Quế Võ gieo trồng 2.700 ha rau màu các loại, trong đó khoai tây vẫn được xác định là cây trồng chủ lực, chiếm đến 50% tổng diện tích. Thời vụ xuống giống khoai tây bắt đầu từ  tháng 10 đến khoảng giữa tháng 11, tập trung chủ đạo là các giống Marabel (Đức lùn), Solara, KT1, KT2,…(đây là những loại giống khoai tây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao).

Bên cạnh việc cải thiện nội dung và hình thức sản xuất, người dân Quế Võ còn được chính quyền địa phương hỗ trợ với nhiều chính sách mới như tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, hỗ trợ phân bón và giống khoai tây mới... Đồng thời, UBND huyện Quế Võ còn giúp người dân có điều kiện liên kết với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà người dân Quế Võ đang có được trong việc sản xuất sản phẩm khoai tây thì còn có không ít những khó khăn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, sản lượng và giá cả sản phẩm. Khó khăn đầu tiên là việc tạo đầu ra cho sản phẩm đã có nhưng chưa thực sự ổn định. Điều này thể hiện rất rõ ở việc các doanh nghiệp đôi khi từ chối mua sản phẩm khoai tây của người dân Quế Võ trong khi vẫn mua sản phẩm khoai tây của các tỉnh lân cận. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ người dân, khi thực hiện việc cam kết giữa hai bên: người dân và doanh nghiệp thì người dân vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện cam kết, làm mất lòng tin của các doanh nghiệp.

Khó khăn tiếp theo cần được cải thiện để hỗ trợ người dân sản xuất, đó là cải thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu cây trồng. Diện tích đất sản xuất khoai tây ở huyện Quế Võ thấp trũng, vì vậy vào các thời điểm mưa, việc tiêu nước cho diện tích đất trồng khoai tây gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng của cây khoai tây làm giảm sút về chất lượng và năng suất cây trồng.

Ngoài những khó khăn trên, người dân gặp nhiều khó khăn khác như diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún gây cản trở trong việc áp dụng máy móc sản xuất tiên tiến, chủ động trong giống cây trồng còn thấp...

Như vậy, có thể thấy, khoai tây là một trong những cây trồng có tiềm năng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Quế Võ. Song, để phát huy được điều đó, người dân cần kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn còn tồn tại, đặc biệt là khắc phục tư tưởng, lề lối sản xuất manh mún, chủ động nguồn giống và đầu ra của sản phẩm.

Khánh Yên (Thương hiệu và Công luận)