Trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà. (Nguồn: TTXVN)
Cụ thể, bị can Hoàng Văn Tới (sinh năm 1989, trú tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hoàng Văn Tới là bị can thứ 4 bị khởi tố trong vụ án Công ty TNHH TM&DV Y tế Đức Anh có địa điểm kinh doanh số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố, tạm giam đối với ba bị can gồm: Trương Thị Bình (Phó Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Y tế Đức Anh), La Văn Thi (Phụ trách bộ phận kinh doanh của Công ty TNHH TM&DV Y tế Đức Anh) và Nguyễn Đức Việt Anh (nhân viên Công ty TNHH TM&DV Y tế Đức Anh) về cùng tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Kết quả điều tra ban đầu cho biết, cuối năm 2019, Hoàng Văn Tới mua máy đo huyết áp ở cửa hàng của Trương Thị Bình, từ đó có quan hệ quen biết. Khoảng cuối tháng 1/2020, Bình nói với Tới là cần nguồn hàng là bộ trang phục y tế phòng dịch để bán. Hoàng Văn Tới nói để liên hệ mua và bán lại cho Bình.
Theo đó, trong khoảng 2 tháng, từ tháng 1 đến tháng 2, Tới mua 13.000 bộ trang phục phòng dịch không nhãn hiệu (một bộ gồm: quần áo, giầy, găng tay, kính) của đối tượng không quen biết trên mạng xã hội về bán lại cho Bình.
Theo kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP. Hà Nội, hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế này là hàng giả. Qua đấu tranh, cơ quan công an đã làm rõ, Công ty TNHH TM&DV Y tế Đức Anh mua các dụng cụ bảo hộ y tế gồm khẩu trang, quần áo, kính, giày.. không đảm bảo chất lượng của Tới rồi chỉ đạo nhân viên trong công ty đóng gói và dán nhãn các đơn vị sản xuất khác đã được cơ quan y tế cấp phép.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Y tế Đức Anh - Trương Thị Bình tại cơ quan công an. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp).
Trước đó, từng có lô hàng công ty này bị Trung tâm y tế huyện Quốc Oai trả lại, vì nghi ngờ doanh nghiệp đã phân phối đồ bảo hộ y tế giả. Tuy nhiên, hành vi làm giả vẫn tiếp tục tái diễn và bị cơ quan công an bắt quả tang.
Hiện nay, những bộ trang phục bảo hộ y tế chuyên dụng chỉ được sử dụng cho các y bác sĩ và các cán bộ tham gia trên tuyến đầu chống dịch. Vì vậy theo Công an TP. Hà Nội, việc làm giả những bộ quần áp bảo hộ y tế kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các lực lượng ở tuyến đầu.
Xét thấy tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, trục lợi trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch, Công an TP. Hà Nội xác định đây là vụ án trọng điểm để điều tra, đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
T.N