Theo đó, Bộ Y tế đề nghị không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72h. Các Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô địa phương phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, yêu cầu các Doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe phải đảm bảo mọi quy định về xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, trong trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 72 giờ.
Đồng thời, có kế hoạch vận chuyển hàng hóa cụ thể từ vùng không có dịch vào vùng có dịch và ngược lại đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ), hoặc tổ chức chặt chẽ “một cung đường, hai điểm đến” (đưa và đón công nhân từ nơi ở tới nơi sản xuất).
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh phải khẩn trương phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lựa chọn, quyết định tổ chức các điểm dừng nghỉ kết hợp với hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe di chuyển trên lộ trình dài và giấy xét nghiệm hết hiệu lực, có như vậy mới giảm áp lực tại các chốt kiểm soát.
Thuận Yến – Thùy Linh