Năm 2018, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn khu vực biên giới cơ bản ổn định; Bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh biên giới.
Tuy nhiên, do đặc thù địa lý khu vực biên giới có đường biên giới giáp với các nước khá dài lại quanh co, hiểm trở, nhiều đường mòn, khe suối, cánh gà hai bên cửa khẩu đã gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát cũng như trong khâu quản lý và là điều kiện thuận lợi để đối tượng vận chuyển, thẩm lậu hàng hoá qua biên giới vào Việt Nam, gây bức xúc trong dự luận.
Do vậy, mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới đã được kiềm chế nhiều so với những năm trước đây; tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều trang bị phương tiện kỹ thuật để theo dõi, thậm chí chống đối gây khó khăn cho việc bắt giữ hàng lậu của lực lượng chức năng; đáng chú ý, trong năm 2018 xẩy ra một số vụ chống đối người thi hành công vụ khi bộ đội biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn hàng lậu.
Bộ đội Biên phòng An Giang trong hai ngày bắt 2 vụ buôn lậu lớn
Về đối tượng: Phần lớn là các thành phần xã hội có tổ chức chuyên nghiệp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các “đầu nậu” ở khu vực biên giới, trong nội địa và đối tượng người nước ngoài. Sự câu kết giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tượng người nước ngoài để tạo hồ sơ doanh nghiệp "ma" ở nước ngoài thực hiện các hợp đồng, chứng từ mua bán giả của nước ngoài...
Về phương thức, thủ đoạn: Vẫn với những phương thức thủ đoạn hoạt động cũ như: xé lẻ hàng hoá, lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn lối tắt qua lại, thuê người vận chuyển hàng hoá qua biên giới vào ban đêm, tập kết hàng nhỏ lẻ vào các nhà dân ở sát biên giới chờ cơ hội để chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Về mặt hàng buôn lậu nổi lên trong năm như: Xăng dầu, than, quặng trên biển; buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm "bẩn", tình trạng "nhập khẩu" phế liệu, rác thải từ nước ngoài vào Việt Nam nguy cơ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tình trạng buôn lậu pháo, rượu, bia, hàng điện gia dụng, hàng tiêu dùng, nguyên liệu thuốc bắc... là hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế người tiêu dùng.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã bám sát chỉ đạo của cấp trên; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị trong công tác nắm tình hình, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; xác định cụ thể địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh; đồng thời quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị nếu để xẩy ra điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn phụ trách.
Địa hình biên giới phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch, bất kỳ chỗ nào đối tượng buôn lậu cũng có thể mở được lối mở; thời tiết khắc nghiệt, trong khi trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh của các đơn vị còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng đấu tranh chống tội phạm còn thiếu so với biên chế. Đời sống của nhân dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, nhiều người thiếu việc làm, một bộ phận quần chúng nhân dân tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu. Một số hộ gia đình ở địa bàn giáp biên lợi dụng đất rừng được giao đã rào vườn làm nơi tập kết hàng lậu và ngăn cản không cho lực lượng chức năng vào kiểm tra.
Thời gian tới, lực lượng BĐBP gia tăng kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị trong công tác nắm tình hình, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…
PV