Theo Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, ngay sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Bộ Y tế đã khẩn trương có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu đơn vị này cung cấp thông tin chi tiết và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Công an trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các loại thuốc giả đã bị các đối tượng tung ra thị trường.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cũng cho biết, qua xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, các sản phẩm thuốc giả trong vụ án này chưa được phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh. Lý giải về điều này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, các sản phẩm giả mạo này không thể xâm nhập vào hệ thống các bệnh viện công lập do không đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ, chứng từ hợp lệ để tham gia đấu thầu thuốc. Do đó, kênh tiêu thụ chính của các loại thuốc giả này chủ yếu thông qua mạng internet và các kênh bán lẻ không chính thống.

TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Thông tin chi tiết về các loại thuốc giả bị thu giữ, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho biết, trong số 21 loại sản phẩm bị cơ quan Công an thu giữ, có 4 loại là thuốc tân dược giả mạo (gồm 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion). Đáng chú ý, số lượng lớn còn lại, lên đến 39.323 hộp, thuộc về 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược hoặc các sản phẩm có nhãn mác ghi công dụng như thuốc chữa bệnh.

Nhấn mạnh về công tác bảo đảm chất lượng thuốc, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ nhiều hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm nghiêm ngặt trong toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, và Bộ đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, tăng cường sự phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối và lưu thông thuốc, bao gồm cả thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống thuốc giả luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, không chỉ của riêng ngành y tế. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ ngành khác, thông qua Ban chỉ đạo 389, đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống sản xuất và buôn bán thuốc giả, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng, chống thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhờ đó, tỷ lệ thuốc giả được ghi nhận trong những năm gần đây đều duy trì ở mức dưới 0,1%.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ
Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng thông tin thêm, trong giai đoạn 2023-2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội đã báo cáo về việc phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389, Công an, Quản lý thị trường… để tập trung đấu tranh, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 9/1/2025, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C03), Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an tổ chức cuộc họp với Sở Y tế một số tỉnh thành như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam… để tăng cường công tác phòng, chống thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thời gian tới, dẫn đến việc cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn tại Thanh Hóa vừa qua.

Thành Nam (t/h)