Dứa Tắc Cậu có đặc điểm trái tròn, cùi nhỏ, ngọt hơn sản phẩm cùng loại khác. Thương hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2010. Từ khi dứa Tắc Cậu được công nhận là nhãn hiệu tập thể, các ngành chức năng huyện cũng như địa phương đã hình thành tổ hợp tác trồng dứa, chi hội ngành nghề để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, qua đó áp dụng vào sản xuất nên năng suất, sản lượng tăng lên. Mỗi héc-ta dứa giúp người dân thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/vụ. Thời gian gần đây, tỉnh xây dựng thành công mô hình trồng dứa Tắc Cậu theo quy trình VietGAP với quy mô ban đầu là 200 ha để có cơ sở nhân rộng và từng bước tiến lên GlobalGAP.

Kiên Giang: Giúp dân sản xuất dứa Tắc Cậu theo quy trình VietGAP vang xa - Hình 1

Đưa thương hiệu dứa Tắc Cậu vang xa

Ngoài trái tươi truyền thống, các sản phẩm từ cây dứa đã được phát triển thêm, như bánh hoa mai nhân dứa, kẹo dứa, nước mầu dứa, nước dứa ép, dứa phơi khô, dứa sấy. Sản lượng dứa sấy ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng, cả trong nước và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2019, diện tích trồng mới tăng thêm 100 ha.

Theo ông Hàng Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: Những năm trước đây, dứa Tắc Cậu thường bị bệnh héo đầu lá, giá bấp bênh, nông dân không có lãi cao. Một số hộ nông dân không trồng nữa mà chuyển sang trồng các loại cây khác.

Tuy vậy, đến nay, diện tích dứa vẫn còn khoảng 1.300 ha ở các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và Minh Hòa. Loại dứa này thơm, ngon, có đặc trưng riêng là nước ít hơn nên người tiêu dùng ưa thích.

Theo ông Huỳnh Lũy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành, từ khi cây dứa Tắc Cậu được công nhận là nhãn hiệu tập thể, địa phương đã hình thành tổ hợp tác trồng dứa, chi hội ngành nghề để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cây dứa tăng lên. Mỗi ha dứa giúp người dân thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng trong vụ chính và 50 triệu đồng trong vụ nghịch.

Ngoài bán trái tươi truyền thống, người dân còn đầu tư các cơ sở sấy khô, nước ép, bánh kẹo tiêu thụ trong thị trường nội địa và xuất khẩu dứa thái lát phơi khô, mứt dứa, bánh dứa.

Tuy nhiên, để người dân gia tăng năng xuất và sản lượng, nâng cao thu nhập thì Hội nông dân đang khuyến khích người trồng tham gia mô hình GlobalGAP, nếu tham gia vào mô hình này thì người trồng dứa sẽ phải tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sử dụng đúng theo quy trình đối với phân bón, thuốc hóa học, không lạm dụng phân đạm hay các chất kích thích sinh trưởng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do quy trình trồng và chăm sóc cẩn trọng hơn, tốn công sức hơn, trong khi vẫn còn đó nỗi lo đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ dân chưa mặn mà tham gia mô hình VietGAP.

Người dân trồng dứa trên địa bàn mong muốn chính quyền địa phương, ngoài việc hướng dẫn về kỹ thuật, cách thức chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn thì cần có phương án hỗ trợ nông dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm với mức giá phù hợp, tránh tình trạng tồn đọng hàng hóa và bảo đảm thu nhập ổn định cho người trồng.

Hải Nam