Kim Jong-un phóng thử tên lửa: Tốt cho Mỹ, lợi cho Triều? - Hình 1

Bình Nhưỡng thách thức, Washington phản ứng lạ thường

Rạng sáng 14.5, Triều Tiên lại cho tiến hành một vụ phóng thử tên lửa, bất chấp tình hình căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á liên quan đến chương trình kỹ thuật hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Ngay lập tức Nhật Bản và Hàn Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ với hành động này của Triều Tiên.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên tiếng phê phán Bình Nhưỡng, coi việc phóng thử tên lửa là hành động đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi hành động của Bình Nhưỡng là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và cho biết sự khiêu khích gia tăng của Triều Tiên đã được Tokyo dự kiến. Ông Abe khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để làm tất cả những gì có thể nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, trái với thông lệ, ngược với đồng minh, phản ứng của Washington với vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng lại tỏ ra nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những phản ứng tương tự trong thời gian gần đây, đặc biệt không có việc đe doạ trừng phạt quân sự với Bình Nhưỡng.

Kim Jong-un phóng thử tên lửa: Tốt cho Mỹ, lợi cho Triều? - Hình 2

Qua vụ phóng thử tên lửa, Triều Tiên muốn gửi thông điệp tới Nga, Trung?

Nhà Trắng tuyên bố: "Triều Tiên là một mối đe dọa rõ rệt trong một thời gian dài và Mỹ sẽ duy trì cam kết cứng rắn, nhằm sát cánh với các đồng minh trong bối cảnh đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ Triều Tiên. Hãy để hành động khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng là lời kêu gọi tất cả các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa chống lại Triều Tiên".

Cho dù Nhà Trắng cho biết là tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử ngày 14.5 bay “sát Nga hơn là gần Nhật”, còn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) xác nhận không phải Triều Tiên phóng thử tên lửa liên lục địa và không đe dọa tới Mỹ, song không thể không hoài nghi phía sau phản ứng có vẻ khác thường của Mỹ trong trường hợp này. Điều gì khiến Washington có những thay đổi như vậy?

Kim Jong-un phóng tên lửa giúp Trump gia tăng lợi ích?

Theo giới phân tích thì có thể nhận diện lý do khiến Washington thay đổi cách ứng xử trước hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nằm trong tính chất của việc phóng thử tên lửa và thời điểm phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Dù bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á vẫn còn căng thẳng bởi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, nhưng đỉnh điểm của sự căng thẳng đã qua, khi “Ngày Thái Dương” tại xứ Bắc Hàn trôi qua yên bình và tiếp theo là những quả tên lửa được phóng đi bị xịt.

Khi Washington bị cho là hết “kiên nhẫn chịu đựng với sự khiêu khích” của Kim Jong-un và Bình Nhưỡng cũng hết “kiên nhẫn chờ đợi sự trừng phạt” của Donald Trump, thì ngòi nổ đã không được châm lửa, mà lại được tháo ra, bằng sự kết nối giữa Washington và Bình Nhưỡng thông qua kênh ngoại giao 1.5 – đàm phán không chính thức.

Kim Jong-un phóng thử tên lửa: Tốt cho Mỹ, lợi cho Triều? - Hình 3

Hướng bay của tên lửa mà Triều Tiên phóng thử ngày 14/5 vừa qua

Đây được cho là nước đi “tốt cho Mỹ, lợi cho Triều”, nhưng chưa hẳn đã là mong muốn của các đồng minh của cả Mỹ - Triều.

Bắc Kinh được cho là có thể buông Triều Tiên nếu Kim Jong-un không bớt ngông nghênh, Moscow thì lên tiếng có thể làm trung gian trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng thực ra không khó nhận diện Nga – Trung chỉ muốn sử dụng hành động của nhà lãnh đạo trẻ tại xứ Bắc Hàn để tạo vị thế cho họ trong cạnh tranh của ngoại giao nước lớn.

Khi Washington và Bình Nhưỡng kết nối trực tiếp sẽ phá hỏng ý đồ của Nga – Trung và Kim Jong-un có thể gặp bất lợi trong quan hệ với Bắc Kinh và Moscow. Do vậy, Kim Jong-un chọn thách thức Trump nhưng nằm trong giới hạn mà Washington không thể trừng phạt là nước đi hợp lý nhất trong trường hợp này.

Còn với Nhật Bản và Hàn Quốc, việc Washington kết nối trực tiếp với Bình Nhưỡng có thể giúp giảm nguy cơ bất ổn, song cái thế của Seoul và Tokyo trong quan hệ với Washington sẽ kém đi, nếu lợi ích Mỹ không được gia tăng từ các đồng minh chiến lược này. Chỉ 1 tỉ USD chi cho việc lắp đặt THAAD mà Seoul còn không chịu trả thì làm sao những lợi ích khác trong khu vực có thể được các đồng minh gia tăng cho Mỹ, nếu tình hình tại khu vực yên bình.

Trong khi đó Thủ tướng Abe đang thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp được cho là tạo điều kiện để Nhật hoàng thoái vị, nhưng theo giới phân tích thì việc luật hoá chủ trương gia tăng sức mạnh cho quân đội Nhật mới là cái đích hướng tới trong nước đi này. Khi đó vai trò của Mỹ với Nhật sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, cùng với đó là lợi ích sẽ giảm sút.

Đây là nỗi thất vọng rất lớn với chính quyền Trump và có lẽ Washington phải tìm cách nhắc nhở các đồng minh. Vì vậy, không loại trừ khả năng Kim Jong-un phóng tên lửa thách thức Trump là nhằm giúp gia tăng lợi ích cho Mỹ từ các đồng minh bởi Bình Nhưỡng càng nguy hiểm thì Trump càng dễ ra giá với đồng minh.

Kim Jong-un phóng thử tên lửa: Tốt cho Mỹ, lợi cho Triều? - Hình 4

Phải chăng bộ đôi Kim - Trump đã bằng lòng dù chưa bằng mặt?

Ngược lại, việc phóng thử tên lửa nhưng không làm hại tới Mỹ, đảm bảo cho Bình Nhưỡng giữ được thế tốt nhất với Nga - Trung, trước khi có đột phá thực sự trong quan hệ Mỹ - Triều với những cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên.

Giáo sư Carl Schuster tại Đại học Hawaii Pacific, cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương của Mỹ nói với CNN, việc chọn thời điểm phóng thử tên lửa và hướng bay của tên lửa không phải là lựa chọn ngẫu nhiên của Bình Nhưỡng.

Phải chăng đó cũng là lý do Kim Jong-un cho phóng tên lửa chào mừng Hội nghị “Vành đai và con đường” đang diễn ra tại Bắc Kinh và hướng bay của tên lửa lại hướng về Nga?

Ngọc Việt - motthegioi