TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Nền kinh tế đang bị tổn thất nặng nề vì đại dịch Covid-19, GDP quý III âm 6,17%. Ông đánh giá GDP cả năm 2021 có thể đạt mức nào?

Trong bối cảnh hiện nay thì tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ ở mức 3%, chưa bằng nửa mục tiêu kế hoạch đặt ra. Nếu như vậy đây là năm thứ hai liên tiếp không đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, việc làm và các nhiệm vụ cải cách phát triển. Nếu như ở các nước phát triển, tốc độ tăng GDP giảm, thậm chí âm, nhưng thu nhập/người dân không giảm, thu nhập khả dụng lại tăng vì họ không thể chi tiêu trong đại dịch, vì vậy, khi dịch kết thúc hoặc giảm đi thì cầu bùng nổ, và đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy phục hồi nhanh và cao.

Nhưng Việt Nam hoàn toàn khác, vì chúng ta đang yếu cả hai bên cung và cầu, do đó không thể phục hồi nhanh và cao được khi mà nhiều triệu lao động mất việc làm, mất thu nhập, một số ngành dịch vụ đã tê liệt hai năm liên tiếp. Đại dịch không những làm mất mát về vật chất, mà cả tinh thần, năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ… Cơ cấu kinh tế, lao động, phân bố nguồn lực đang bị đảo lộn, năng lực và nguồn lực đã bị sói mòn nghiêm trọng. Các động lực tăng trưởng chủ yếu, trừ xuất khẩu, đã yếu đi một cách đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng cho phát triển kinh tế thời gian tới, đó là hiện dịch bệnh đang dần được kiểm soát, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đang dần mở cửa lại. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng sẽ bật tăng trở lại sau 5 tháng bị kìm nén… Theo đó, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi. Nhiều dự báo tin rằng trong quý 4/2021 kinh tế sẽ hồi phục.

Ông có đánh giá như thế nào về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng như dư địa chính sách để phục hồi kinh tế trong thời gian tới?

Như tôi đã nói ở trên, dịch bệnh gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế, vì vậy nếu không có thay đổi đột biến, không có những đột phá thực sự bằng chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển thì kết quả đạt được ở giai đoạn này có thể sẽ kém hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng sẽ thấp xa mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn 1999-2011, dư địa chính sách của ta hiện nay đang còn nhiều và tốt hơn rất nhiều. Theo đó, chúng ta đang có tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định. Hệ thống tài chính tuy còn có rủi ro nhưng đã vững và tốt hơn trước nhiều. Bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Cán cân đối ngoại tốt hơn nhiều, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD…

Với dư địa đó, tôi cho rằng chúng ta có thể nới trần nợ công, tăng bội chi để thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để phục hồi kinh tế.

Ông có lưu ý gì về các nhóm giải pháp được đề ra trong Chương trình phục hồi kinh tế?

Về các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế, cần lưu ý một số vấn đề. Trước hết, cần tiếp tục tổ chức sản xuất, cuộc sống xã hội và quản lý nhà nước an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, không tách rời nhau, bổ sung, củng cố cho nhau. Đồng thời nhanh chóng phục hồi lại, cũng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các nguồn lực phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.

Giải pháp cần cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được một cách nhanh chóng trong thời hạn đã định. Kế hoạch phục hồi cần đưa ra mục tiêu cụ thể hơn. Trong đó một số chỉ tiêu phải cao hơn mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch 5 năm 2021-2025, có như vậy mới đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

 Các giải pháp của chương trình phục hồi này theo tôi không nên trùng lặp với các chính sách, kế hoạch, chương trình đã có, mà cần mạnh hơn, cao hơn giải pháp đã có và tập trung vào 4 nhóm: Tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế; Hỗ trợ DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch; Kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Hỗ trợ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động.

Hiện Dự thảo đưa ra quá nhiều giải pháp, cụ thể là 78 giải pháp chia thành 8 nhóm, nhưng lại chưa cụ thể và khả thi, chưa tập trung vào một chương trình có thời hạn 2-3 năm.

Quan điểm của tôi là giải pháp viết ra trong chương trình phục hồi này không trùng lặp với các chính sách, kế hoạch, chương trình đã có mà cần mạnh hơn, cao hơn giải pháp đã có và tập trung vào 4 nhóm sau đây.

Một là, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế. Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Ba là, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Bốn là, hỗ trợ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Yên (Ghi)