Thúc đẩy nội lực nền kinh tế
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng âm 4,9%, trong khi 2 tháng trước dự báo chỉ âm 3%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sụt giảm sản lượng nghiêm trọng như Hoa Kỳ có thể âm 8%, khu vực đồng Euro âm 10,2%...
Mục tiêu của hầu hết các quốc gia lúc này là chống suy thoái, hoặc cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương đã là thành công lớn. Trong bối cảnh đó, nỗ lực duy trì được tăng trưởng dương trong năm nay của Chính phủ Việt Nam, cũng đã là một thành công. Không những vậy, nếu lấy kinh tế thế giới làm “hệ quy chiếu”, thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một điều đáng mong đợi đối với nhiều nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đã thành công. Giai đoạn khó khăn nhất chưa hề qua đi. Tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm còn nhiều thách thức, không kém nửa đầu năm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dự báo, trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn như suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực.
Rủi ro từ suy giảm thương mại toàn cầu và thiệt hại kinh tế lớn, do dịch Covid-19 ở các đối tác thương mại chủ chốt, khả năng thâm hụt tài khóa cao hơn dẫn tới gia tăng nợ công và rủi ro từ hệ thống NH, cũng là những yếu tố thách thức đối với nền kinh tế hiện tại.
Theo Bộ trưởng, dù những khó khăn kinh tế trong và ngoài nước đang diễn ra phức tạp, Chính phủ vẫn kiên định “mục tiêu kép” đó là đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy.
Để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”, Bộ trưởng Dũng cho rằng, nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế. Trong đó, chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đồng thời duy trì được nguồn thu từ XK nông sản tới những quốc gia đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường XK và tìm kiếm khách hàng mới.
Bộ trường đề nghị cần tiếp tục giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Đồng thời, tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước và tâm thế vượt khó của cộng đồng DN trong nước để vượt qua bẫy kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ nhiều yếu tố bất định
Nhiều bất lợi những tháng cuối năm
Các chuyên gia nhìn nhận, đại dịch Covid-19 là một cú sốc rất mạnh đối với nền kinh tế, đã và đang khiến cho thế giới bị suy thoái nghiêm trọng. Đối với nước ta, năm nay được dự báo mức tăng trưởng sẽtương đối thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiện các dự báo cụ thể về tăng trưởng của các tổ chức đưa ra khá nhiều, tương đối cập nhật, song thường xuyên thay đổi, từ những thông tin, đánh giá, nhận xét. Và khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong cuối năm nay.
“Để đạt được mục tiêu này, trong một khoảng thời gian ngắn, nền kinh tế phải tạo đáy, trong những tháng còn lại phải có những động lực tăng trưởng để cho tốc độ tăng trưởng phải đi lên từ những quý sau, thì chúng ta mới đạt được tốc độ tăng trưởng 3% vào cuối năm”, ông Đạt nêu.
Ông Đạt khuyến cáo:“Mọi dự báo trong nền kinh tế hiện nay đều có thể trở nên rủi ro, vì Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào các đối tác thương mại, đầu tư và XK, trong khi họ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng hết sức rủi ro và khó đoán”.
Đồng quan điểm, nhưng chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN trong nước gặp vô vàn khó khăn. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, số lượng DN tạm thời phải đóng cửa, ngưng sản xuất, kinh doanh đã tăng khoảng 38% so cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, kéo theo số lượng lớn nhân viên, lực lượng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịchCovid-19, ở mức khoảng 60-65%. Chính vì vậy, để vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi các bộ, ban, ngành, địa phương phải triển khai các gói hỗ trợ một cách gấp rút và triệt để.
“Trong số 3 gói hỗ trợ, thì tiền tệ tín dụng được triển khai nhanh hơn cả. Trong tổng lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thì NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý cơ cấu lại, giảm nợ hiện hữu tương đương với khoảng trên 50% tổng dư nợ bị ảnh hưởng và tiếp tục cho vay mới. Đây là dấu hiệu tương đối tích cực. Tuy nhiên, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ giải ngân quá thấp, mới được khoảng 17.000 tỷ. Gói tài khóa của chúng ta, ban đầu cam kết giãn hoãn thuế tiền sử dụng đất 180.000 tỷ, nhưng mới xử lý được khoảng 43.000 tỷ (khoảng 25%), chiếm tỷ lệ thấp”, TS. Lực cho biết.
Bên cạnh việc thúc đẩy hơn nữa các gói hỗ trợ này, nhiều ý kiến cũng đề nghị nên rà soát lại các gói hiện hữu về mặt quy mô, đối tượng, chính sách, quy trình, một khi thấy cần thiết, thì phải thay đổi ngay lập tức.
PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tếquốc dân) lên tiếng, dịch Covid-19 lần này là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại cơ chế, thể chế của nền kinh tế với những giải pháp căn cơ dài hạn hơn trong tương lai. Theo đó, cần thay đổi về mô hình tăng trưởng, cần có sự cải thiện mạnh mẽ về thể chế kinh tế.
Một trong những tiêu chí thành phần trong bộ chỉ số ở đây chính là môi trường kinh doanh và thương mại quốc tế. Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” - Việt Nam cần phải khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo gia tăng được mức độ cải thiện - tạo động lực hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
TS. Thành nhấn mạnh:“Quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đây là điểm mà tôi thấy rằng chúng ta vẫn chưa cải thiện đáng kể. Đó là vấn đề chúng ta cần tập trung khắc phục trong thời gian tới”.
Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Thực hiện đồng bộ nhiều mũi giáp công
Trên tinh thần chung, với các định hướng đã xác định, Thủ tướng Chính phủ đề xuất 5 mũi giáp công. Trong đó, chủ yếu là các chính sách phía cầu, như: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh XK; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; thu hút vốn FDI...
Trước tiên, cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Ở nước ta, tiêu dùng hộ gia đình chiếm đến 68% tổng cầu của nền kinh tế. Do đó, các chính sách kích thích tiêu dùng khu vực hộ gia đình sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm giảm 0,8% so cùng kỳ năm trước, thậm chí nếu trừ yếu tố giá thì giảm đến 5,3%. Điều này cho thấy, sức cầu của nền kinh tế đang khá yếu, phản ánh thu nhập thực tế hoặc thu nhập kỳ vọng giảm, hoặc người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần tập trung thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chú ý kích cầu các mặt hàng sản xuất trong nước, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thực hiện các chính sách khuyến khích về tài khóa như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước; về tiền tệ như ưu đãi tiếp cận và mở rộng hạn mức cho tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ thị trường, hỗ trợ phiếu thực phẩm miễn phí, giảm giá sản phẩm, giảm chi phí trung gian, chi phí lưu thông, chi phí hành chính, chi phí không chính thức…
Đẩy mạnh đầu tư tư nhân.Bên cạnh tiêu dùng nội địa, đầu tư chiếm đến hơn 30% GDP của nền kinh tế (trong đó đầu tư tư nhân chiếm hơn 45% tổng đầu tư). Chính vì vậy, Chính phủ cần phải có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Bên cạnh các chính sách đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, các công cụ thuế khóa và tiền tệ cần được phát huy trong ngắn hạn. Chẳng hạn, miễn thuế cho các khoản đầu tư mới, dự án mới triển khai, giải ngân thực tế từ nay đến hết năm 2020. Chính sách này, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư, DN tận dụng cơ hội triển khai các dự án đầu tư mới, giải ngân thực tế để hình thành vốn vật chất, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (chiếm 23% tổng đầu tư xã hội), cũng là một động lực quan trọng để duy trì tăng trưởng. Kiểm soát dịch Covid-19 thành công - sẽ là một gói kích thích kinh tế vô hình.
Các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động lập danh sách nhà đầu tư tiềm năng, sáng tạo các cách tiếp cận nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn các thủ tục, đi trước một bước các điều kiện và nguồn lực để tận dụng được các cơ hội, không để dịch bệnh qua đi mới hành động, vì lúc đó cơ hội sẽ không còn nữa.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Điều này, không chỉ giúp tạo ra các nền tảng để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong dài hạn, mà ngay trong ngắn hạn, một lượng việc làm mới sẽ được mở ra trong quá trình triển khai dự án đầu tư công, nhờ đó bổ sung hoặc bù đắp sự sụt giảm việc làm do suy giảm đầu tư tư nhân, đảm bảo duy trì thu nhập và cung cấp mạng lưới an sinh xã hội cho người dân.
Theo đó, cần khơi thông “3 cái đọng” mà Thủ tướng đã nói, gồm vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng. Xét cho cùng, thủ tục đọng chính là nguyên nhân của 2 cái đọng còn lại. Do đó, cần phải gỡ ngay các cục rối về quy trình thủ tục để sớm triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Đồng thời, phải thúc đẩy các dự án quy mô nhỏ, đơn giản thủ tục, dễ thực hiện ở các địa phương để giải quyết bài toán an sinh xã hội.
Trên tinh thần đó, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương và hiệu quả.
Thúc đẩy các chính sách phía cung. Theo đó, một số chính sách trọng tâm cần được thúc đẩy tích cực đó là đẩy mạnh việc tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế đang còn dang dở, trong đó đặc biệt liên quan đến quyền tài sản, thực thi hợp đồng, cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt, cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần NQ 02/NQ-CP của Chính phủ, tránh tụt hạng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế có chất lượng, nâng cao năng lực nội sinh của thành phần kinh tế trong nước.
Cải cách thị trường lao động, cả phía cung lẫn phía cầu. Các địa phương chủ động đào tạo lại lao động theo các kỹ năng phù hợp với các ngành, lĩnh vực, dự án định hướng thu hút đầu tư. Cải cách thị trường lao động cần gắn với nâng cao chất lượng vốn con người, đi cùng với tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Chính phủ xem đây là chìa khóa lâu bền để có thể mở cánh cửa bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong thập niên tới.
Cải cách thị trường đất đai, bất động sản, trong đó tập trung mọi nỗ lực để giải phóng bằng được các điểm nghẽn về đất đai cho nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cả công lẫn tư.
Cải cách thị trường tài chính, bao gồm cải cách theo hướng giảm nhẹ các thủ tục, quy định tiếp cận vốn, giảm chi phí và lãi suất vay vốn thực chất cho người dân, DN, khuyến khích NH và DN tái cấu trúc lại nợ theo hướng bền vững, giảm chi phí tài chính, tăng cường độ sâu tài chính;
Đồng thời, phát triển thị trường vốn, nới điều kiện tiếp cận dòng tiền trên thị trường vốn cho DN, giảm phụ thuộc vào các trung gian tài chính, NHTM...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng của những tháng cuối năm có thể đạt được ở mức kịch bản lạc quan hay không phụ thuộc lớn vào điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tăng trưởng tín dụng và đầu tư công. Một vấn đề khác, trong thời gian tới Việt Nam phải tính toán để thay đổi nguồn cung để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần rất nhiều thời gian và nhiều nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ.
Bùi Quyền