Kinh tế quý I: Lộ diện những chông gai - Hình 1

Cần tiếp tục thận trọng với chính sách tài khóa và tiền tệ (Ảnh minh họa)

Những con số biết nói…

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho hay: Quý I, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định. FED giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất trong năm 2017.

Donald Trump nhậm chức gây lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, kinh tế châu Âu tuy có sự phục hồi nhưng chứa đựng nhiều yếu tố bất định. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đây là 2 thị trường XK lớn.

Trong nước, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp suy giảm, đạt 4,1% cuối quý; khu vực chế biến chế tạo cũng chỉ tăng 8,3%, thấp hơn 9,4% cùng kỳ năm 2016; tiêu thụ thấp trong khi tồn kho tăng mạnh…

Đối với DN, không quá bi quan nếu nhìn vào chỉ số PMI (hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN) cải thiện khi cả năm 2016 trên ngưỡng 50 điểm. Tuy nhiên, con số này không đủ đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp. Số DN đăng ký kinh doanh có sự dịch chuyển về cơ cấu, lĩnh vực dịch vụ đăng ký nhiều hơn so với chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, lạm phát giảm nhưng chủ yếu do yếu tố giá cơ bản. Chênh lệch lạm phát toàn phần (4,65%) với lạm phát cơ bản (1,6%) vẫn ở mức cao. Nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu 4% vẫn còn, bởi cho đến nay, 27/63 tỉnh chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2. Thêm vào đó là vấn đề điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Việt Nam bắt đầu thâm hụt thương mại, con số không phải quá bất thường nhưng so với năm trước có tăng lên, trong đó xuất phát từ việc XK linh kiện điện tử, điện thoại của Samsung không tăng nhưng NK vẫn tăng mạnh.

Khu vực XK đang giảm dần, giảm liên tục cho thấy khu vực có vốn đầu tư, có yếu tố nước ngoài ngày càng bành trướng. Khu vực trong nước chỉ còn 2,8%. Sự “teo tóp’ của khu vực chế biến chế tạo nằm ở sức sản xuất thực sự của Việt Nam đang có vấn đề.

Một vấn đề khác đó là ngân sách. Thay đổi về nguồn thu, cắt giảm thuế, nguồn từ dầu thô giảm, ảnh hưởng tới cơ cấu dự toán thu NSNN, từ đó đẩy mạnh thu nội địa, đặc biệt là các hạng mục liên quan tới thuế sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết…

Tỷ giá biến động 2 tháng đầu năm, trái chiều với diễn biến của tỷ giá trung tâm. Kể từ giữa tháng 3, tỷ giá dần ổn định và không còn chênh lệch lớn giữa các loại tỷ giá trên thị trường, cho thấy NHNN vẫn đang giữ thế chủ động.

“Làn sóng FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, điều này gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh nhằm duy trì động lực tăng trưởng.

Việt Nam mất cơ hội từ TPP nhưng AEC dồn dập đổ vào nước ta. XK thu hẹp, phản ánh quá trình hội nhập bị cạnh tranh. DN của VN không có sự cải thiện về năng suất, chưa kể vấn đề tỷ giá. Đó là những điều trong ngắn hạn cần phải lưu ý”, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Sức ép nằm ở đâu?

Đề cập tới việc Báo cáo cần tập trung vào một số điểm quan trọng để đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn, TS. Võ Trí Thành nhận định, với kinh tế trong nước, có 2 vấn đề cần làm rõ là thương mại dịch vụ và tiêu dùng. Bởi cho đến nay, tiêu dùng vẫn nhìn vào bán lẻ, nhưng sâu hơn có tiêu dùng nhà nước, tiêu dùng tư nhân. Việc bóc tách phần NK máy móc, thiết bị tiêu dùng… cực kỳ quan trọng. Tiêu dùng hoạt động cho ai - là một phần của tăng trưởng, ít nhất trong ngắn hạn.

“Giải ngân vốn đầu tư nhà nước rất chậm, vậy vấn đề nằm đằng sau là gì? Nếu nhìn tổng đầu tư xã hội vẫn tăng, trong khi tăng trưởng giảm rất mạnh, do số liệu thống kê hay chất lượng của đầu tư hay vấn đề gì?

Thứ nữa là đầu tư tư nhân, hàng năm tiết kiệm 29%, cộng với đầu tư nước ngoài khoảng 5 - 6%, không “ném”vào đầu tư kinh doanh thì vào đâu? Hay lượng tiền tiết kiệm đầu tư dưới dạng tài chính, có vấn đề gì về ứng xử trên thị trường tài chính, môi trường kinh doanh?...”, TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Báo cáo vẫn thiếu một số điểm quan trọng đó là thị trường trái phiếu. Gần đây, tỷ lệ phát hành thành công trái phiếu chính phủ xuống thấp. Ngoài ra, việc thâu tóm từ DN Thái Lan sẽ gây ra thách thức gì, cách vượt qua thì chưa nêu được.

“Phải làm rõ sức ép mà nền kinh tế nước ta phải chịu, trước tiên là sức ép tăng trưởng. Tăng trưởng liên quan tới nhiều chỉ tiêu, Chính phủ lo là đương nhiên, nhưng xử lý sức ép không đúng, không hợp lý sẽ gây hệ quả xấu.

Thứ nữa là sức ép tỷ giá. Mặc dù những tháng qua NHNN điều hành tương đối hợp lý, đặc biệt sau khi FED nâng lãi suất. Tương lai, khi FED tiếp tục tăng 2 lần nữa, đồng USD mạnh lên, đối tác thương mại lớn hạ giá, VND sẽ tạo yêu cầu khá lớn về tỷ giá cho Việt Nam trong thời gian không quá dài. Từ đó, tạo sức ép về lạm phát, trong khi giá điện bị dồn nén, nếu tiếp tục thì sẽ khó đảm bảo nguồn điện, khó đầu tư vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Không thể trì hoãn việc điều chỉnh giá điện sang năm sau vì có thể lạm phát cao nữa. Hơn nữa, có điểm không hợp lý giữa dự báo tăng trưởng và lạm phát. Dự báo GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm không vượt quá 6,3%, trong khi lạm phát lại giảm, Báo cáo chưa có cơ sở thuyết phục. Bởi tăng trưởng cao tạo tổng cao, tạo sức ép lên lạm phát.

Nợ xấu không giải quyết là không được. Cần tìm cho ra nguồn tiền thật để giải quyết 1 phần, cộng với bán tài sản thế chấp, tạo thị trường mua bán nợ cùng với thể chế pháp lý, thà mất ít tiền để thu lại, còn hơn để tình trạng như thế này”, ông Tuyển phân tích.

Thông điệp cho quý tới!

Đưa ra cái nhìn toàn diện hơn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Báo cáo đã “quên” việc quan trọng là Brexit, với những tác động chưa thể lường được trong thời gian tới không chỉ với châu Âu, mà cả Việt Nam.

“Nên có những đánh giá đi vào trọng điểm, có những box để làm rõ hơn. Ví dụ, về tình hình ngân sách, cần được chú ý và đánh giá rõ ràng. Tái cơ cấu ngân sách với các biện pháp cắt giảm xe công, giảm chi khai trương, hội họp… nhưng cơ bản tình hình chưa giải quyết được, chi thường xuyên vẫn rất cao.

Gánh nặng nợ công không thể xem thường. Chi nợ công lên tới 24% chi ngân sách quý I thì hướng xử lý thế nào phải xem xét. Dự thảo Luật Nợ công không đưa nợ DNNN vào nợ công, nhưng việc nợ “chềnh ềnh” ra đó thì làm sao? Liệu có giải quyết không?”, ông Doanh nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, tăng trưởng kinh tế quý I èo uột, nguy cơ không tạo động lực tăng trưởng của cả năm 2017. Cần dẫn ra một số điểm để chứng minh tại sao từ đây không kỳ vọng đạt và thông điệp quý tới cần tập trung vào cái gì. Mặt khác, có thể so sánh với những thách thức Chính phủ đã nêu từ năm trước, xem mức độ ảnh hưởng như thế nào.

Đặc biệt, khía cạnh về môi trường, biến đổi khí hậu gần như chưa được nhắc tới trong báo cáo. Bày tỏ sự sốt ruột khi tổng sơ đồ điện 7 vẫn dựa vào nhiều dự án điện than, bà Lan cho rằng, nếu không điều chỉnh cách thức đầu tư, vẫn ham chạy theo dự án đầu tư mà không đánh giá tác động thì sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.

“Sản xuất công nghiệp ổn, nhưng tôi lo hạ tầng điện, do Nhà nước làm theo hướng cũ, khi gây hậu quả thì các nơi khác hứng chịu. Chi phí môi trường tính cao lên, nhưng lại bắt DN, DNNVV và cộng đồng dân cư phải gánh. Gây ra hậu quả là dự án đầu tư lớn kể cả Nhà nước và FDI, tại sao lại bắt xã hội gánh chịu?

Mọi thứ nghe thì rất oai phong, nhưng tiếng nói phản biện chả dội đến tai ai. Dự án thép Cà Ná đình lại, nhưng là dự án tư nhân. So với dự án do Nhà nước làm thì chưa hề có động thái. Ngoài ra, xử lý vấn đề kinh tế cũng cần lưu ý tới các vấn đề xã hội, bởi một đốm lửa nhỏ khi không được giải quyết sẽ thổi bùng lên bức xúc xã hội, ảnh hưởng tới an ninh trật tự”, bà Lan nêu quan điểm.

Đoàn Huế