Kinh tế Việt Nam 2017: Những con số ấn tượng - Hình 1

Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 6,7% cho năm 2018

Những nỗ lực trong điều hành

GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá: Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện về lượng và chất, tạo đà tăng trưởng cho các năm còn lại trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).

Tăng trưởng kinh tế năm 2017, dự kiến đạt 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,21% năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định dưới 5% - đang dần tạo điều kiện để giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định. Nợ xấu, bội chi ngân sách cũng đang dần được giảm.

Thực tế, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt tới 6,41%, tạo đà để sau nhiều năm tăng trưởng cả năm đạt mức 6,7%.

Nếu tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,7% thì đây sẽ là dấu mốc đáng nhớ. Vì kể từ 2009 đến nay (ngoại trừ năm 2010), tăng trưởng đều dưới con số 6,7%. Mức tăng trưởng GDP đạt tới 6,78% của năm 2010 cũng mang lại “nỗi buồn” nhiều hơn là thành tích. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đã đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Đây là số dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay.

Không thể không kể đến con số vốn đầu tư nước ngoài. Sau nhiều năm, số vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần 10 tháng đang tiệm cận mốc 30 tỷ USD (con số hiện chỉ xếp sau năm 2008).

Bội chi sau 10 năm liên tục “xé rào”, dự kiến năm 2017 có thể được giữ ở mức dưới 3,5%, dù rằng có một số thay đổi trong cách tính bội chi.

Về môi trường kinh doanh, xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế.

Một chỉ số có liên quan đến môi trường kinh doanh là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2017 có thể đạt trên 125.000 doanh nghiệp. Đây sẽ là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt qua mức đỉnh 110.000 doanh nghiệp lập mới của năm 2016.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá, một điểm ít thấy trong diễn biến tăng trưởng những năm qua đó là năm nay có sự tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực, nông nghiệp đã qua thời kỳ “lép vế” và khôi phục được sức mạnh trụ đỡ, nhờ năm nay ít chịu hạn hán, ngập mặn, cùng đó, ngành này diễn ra sự thay đổi cơ cấu rất quan trọng, chuyển đổi từ những ngành giá trị thấp sang giá trị cao.

“Chẳng hạn, sau chuyển đổi 1 ha gieo trồng lúa sang trồng thủy sản, giá trị từ thủy sản gấp 5 lần lúa. Kết quả là sau 10 tháng, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, thậm chí dự kiến sẽ đạt 2,2 tỷ USD và vượt dầu thô về giá trị xuất khẩu”, ông Lâm nói và khẳng định điều đó phản chiếu vai trò của chính phủ kiến tạo.

GS. Thuấn cũng cho rằng: Để đạt được kết quả như trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác điều hành, bên cạnh sự khởi sắc của khu vực doanh nghiệp cùng với những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Chính phủ đặt mục tiêu trở thành một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều chính sách, giải pháp thiết thực và những hành động quyết liệt đã và đang được Chính phủ triển khai nhằm thực hiện mục tiêu này.

Kinh tế Việt Nam 2017: Những con số ấn tượng - Hình 2

Từ 2009 đến nay (ngoại trừ năm 2010) thì tăng trưởng đều dưới con số 6,7%

Động lực mới cho tăng trưởng

Những con số nêu trên - được đánh giá là tích cực nhưng cần thận trọng. Năm 2009, tăng trưởng kinh tế đột ngột lao dốc do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Khi ấy, tăng trưởng GDP rơi từ mức 8,46% của năm 2007 xuống còn 6,31% của năm 2008 và “sốc” nhất là rơi xuống 5,32% vào năm 2009.

Ngay lập tức, một gói kích thích kinh tế được công bố vào tháng 5/2009. Khác với gói kích cầu của các nước một chút, nhưng gói kích thích kinh tế của Việt Nam vẫn dựa trên việc nới lỏng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bao gồm cả tăng tín dụng, giảm lãi suất, tăng chi tiêu ngân sách nhà nước và giảm thuế.

Kết quả là năm 2010, tăng trưởng GDP được kích lên tới 6,78%, hơn hẳn mức tăng lẹt đẹt 5,32% của năm 2009.

Nhưng không bao lâu sau, nền kinh tế đã phải trả giá - một cái giá rất đắt mà nhắc lại nhiều người còn rùng mình.

Lạm phát tăng phi mã, giá cả leo thang, đời sống người dân, doanh nghiệp lao đao. Năm 2010, lạm phát tăng gần gấp đôi lên 2 con số, ở mức 11,75%. Đỉnh điểm là năm 2011, tăng lên tới trên 18%. Lãi suất tăng chóng mặt, sau 1 đêm nhiều đại gia trở về tay trắng.

Sang năm 2012 - “con ngựa bất kham” lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 7%. Nhưng chủ yếu bằng cách thắt chặt túi tiền. Điều đó kéo theo một hệ lụy khác là doanh nghiệp “chết như ngả rạ” và là một phần lý do khiến tăng trưởng GDP từ 2011 - 2014 chỉ loanh quanh mức 5 - 6%. Rõ ràng, thời điểm ấy, một vòng luẩn quẩn giữa tăng trưởng - lạm phát - doanh nghiệp đã được thiết lập.

GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn đánh giá: Mặc dù kinh tế Việt Nam đang có những cải thiện tích cực, nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế.

“Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới, nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”, ông Thuấn nói.

Nhìn một cách tổng quát, những động lực mới cho tăng trưởng phải giúp nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng đi kèm với ổn định của nền kinh tế. Nói cách khác, động lực cho tăng trưởng trong thời gian tới - cần hướng tới số lượng gắn với chất lượng của tăng trưởng.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu: “Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam”.

Bùi Quyền