(Ảnh minh họa) - Kinh tế Việt Nam Quý 1/2018 chứng kiến mức tăng trưởng cao hiếm thấy
Quý 1: Tăng trưởng ấn tượng
Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách (VEPR), kinh tế Việt Nam trong Quý 1/2018 chứng kiến mức tăng trưởng cao hiếm thấy, 7,38%, cao nhất trong 10 năm. Khu vực nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ có sự cải thiện mạnh so với các năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng rất cao ở mức 9,7%. Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục là động lực cho cả nền kinh tế.
Trong khi đó, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại sau hai năm thu hẹp. Quy mô việc làm tạo mới và số doanh nghiệp đăng kí trong Quý 1 không tăng cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế so với năm trước.
Lạm phát lõi tăng nhẹ trong Quý 1, đạt mức 1,38% trong tháng Ba, do tổng phương tiện thanh toán được mở rộng, dường như phản ánh khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của NHNN.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự đoán thị trường vàng năm nay sẽ có sự ổn định. “Tuy nhiên tình hình kinh tế thế giới vẫn có sự biến động. Tình hình Syria, Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến giá vàng”, ông Hiếu cho hay.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên, trong năm 2018 có thể mua vàng để tiết kiệm nhưng mua vàng để đầu cơ, hy vọng giá vàng lên rồi bán ra kiếm lời thì phải cẩn thận.
Nói về quy định mới đây của NHNN về việc xem vàng như ngoại tệ, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, không có một sự thay đổi nào về chính sách vàng của NHNN, đây chỉ là vấn đề quy định về hạch toán vàng.
Bàn về thị trường ngân hàng, ông Hiếu cho rằng vừa qua xảy ra rất nhiều vụ kiện (VNCB, OceanBank, Eximbank…) đã cho thấy có những sai sót, vi phạm trầm trọng. Những lãnh đạo ngân hàng đã sử dụng công cụ ngân hàng để phục vụ lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Những sự cố mất tiền xảy ra trong các ngân hàng khiến niềm tin của các khách hàng bắt đầu lung lay. Theo ông Hiếu, không nên tin tưởng ngân hàng một cách tuyệt đối, khách hàng nên chủ động kiểm tra tài khoản của mình định kỳ.
Đối với thị trường BĐS, mặc dù đang ổn định, phát triển nhưng theo ông Hiếu, vẫn có một vài điểm nóng (ví dụ đất nền ở một vài khu vực ngày càng tăng), thành ra trong thị trường BĐS có những phân khúc rủi ro nhiều, trong đó có condotel.
Nhận định về thị trường chứng khoán, với việc chỉ số VnIndex tăng một cách quá nhanh chóng vào cuối 2017 và sang Quý 1 năm 2018, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lo ngại xảy ra “bong bóng”.
Ông Hiếu phân tích: “TTCK tăng điểm không phải trên thị trường thứ cấp mà trên thị trường sơ cấp và thị trường mua đi bán lại. Nơi có những việc đầu cơ kiếm lợi. Đặc biệt, TTCK của nhúng ta tùy thuộc rất nhiều vào khối ngoại là khối vào nhanh mà ra cũng rất nhanh, tạo ra những rủi ro.Vì thế khi đầu tư chúng ta phải cẩn thận.
Nên thận trọng
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi Quý 1 bước đến khoảng Tháng 2 thì không khí chung ở Việt Nam và các nước trên thế giới khá phấn chấn, vui vẻ bởi vì kết quả tăng trưởng kinh tế toàn cầu có sự thay đổi khá rõ rệt.
Ở tất cả các khu vực lớn của nền kinh tế thế giới đều có tăng trưởng ngoạn mục vì vậy, đến giữa Tháng 2, các dự báo của các tổ chức quan trọng như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới… đều dự báo kinh tế thế giới 2018 khá là lạc quan, có thể giữ được nhịp độ tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, chúng ta thấy sự lạc quan đó chưa kịp hết Quý 1 thì chính sách thương mại, tiếp đến là chính sách thuế quan của tổng thống Trump công bố ra vào ngày 8/3 làm cho thế giới bắt đầu lo lắng về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có thể nổ ra. Và diễn biến kinh tế từ Tháng 3 đến giờ có thể thấy nó khá nhanh, dồn dập, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam một đầu phụ thuộc rất nặng nề về xuất khẩu vào Mỹ và một đầu phục thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, khi xảy cuộc chiến kinh tế giữa 2 nước này thực sự làm cho nền kinh tế Việt Nam đứng trước một loạt thách thức mới. “Những cái chúng ta lạc quan được từ năm 2017 kéo sang 2018 thì bây giờ có lẽ cũng phải cân nhắc lại một cách thận trọng hơn”, bà Chi Lan cảnh báo.
Bà Chi Lan tin rằng trong thời gian tới, theo thông lệ thì các tổ chức quốc tế cũng dự báo những điều chỉnh của họ trong năm. Cho nên sự lạc quan về kinh tế cho năm 2018 này cũng sẽ dè dặt đi đáng kể.
Bên cạnh đó bà Chi Lan cho rằng còn có những vấn đề đáng lo ngại khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản (rào cản thuế quan, rào cản kỹ thuật…). Những thách thức này sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ trong nông nghiệp.
Theo bà Chi Lan, chỉ số về tăng trưởng công nghiệp tuy tăng cao trong cả quý nhưng Tháng 3 đã giảm xuống so với Tháng 1, Tháng 2. Đây là tín hiệu không hay, rất cần phải xem xét, liệu những tháng tới sẽ như thế nào.
Nữ chuyên gia kinh tế nhận định, bức tranh năm nay của doanh nghiệp không được lạc quan mặc dù chỉ số PCI của năm 2017 tương đối lạc quan.
Bà Chi Lan cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa đủ để khôi phục niềm tin và thúc đẩy được doanh nghiệp phát triển. Vị chuyên gia kinh tế đưa ra dẫn chứng, tỷ lệ doanh nghiệp nói sẽ mở rộng đầu tư trong những năm tới tương đối cao nhưng động thái của Quý 1 năm nay lại cho thấy chỉ 33% doanh nghiệp nói sẽ mở rộng. Đây là vấn đề mà chung ra cần phải quan tâm, mặc dù Chính phủ vẫn cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh.
Cải cách thể chế - đáp ứng cho hội nhập
Trước những thách thức đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mong rằng cần có những nghiên cứu nhiều hơn về hiện tượng cuộc chiến thương mại trên toàn cầu hiện nay ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Vị chuyên gia cho rằng rất cần có những nghiên cứu đầy đủ để có những theo dõi, đánh giá, để đề xuất, lưu ý Chính phủ về những phản ứng chính sách cho kịp thời trong câu chuyện thương mại toàn cầu như thế này.
“Tôi vẫn rất là thiết tha mong rằng chúng ta có thể thúc đẩy chính phủ, nhà nước tích cực thúc đẩy cải cách thể chế. Đó vừa là nhu cầu tồn tại của mình, vừa là để đáp ứng các nhu cầu về hội nhập. Chứ nếu chờ đến lúc các hiệp định thương mại thực hiện rồi sẽ có thể thấy một loạt các vấn đề, chính sách của mình là vi phạm với các cam kết đó”, bà Chi Lan nói.
Bà Chi Lan khuyến nghị phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm giá trị gia tăng. Ngoài ra, chúng ta vẫn cần tiếp tục quan tâm rất nhiều tới các chính sách vĩ mô trong nước.
“Một mặt thì chính phủ vẫn tuyên bố là tiếp tục lo tập trung cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng dường như hiện nay, đang có xung đột giữa một đằng là nhu cầu cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, kể cả giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng một mặt khác thì sức ép về ngân sách vẫn đẩy các cơ quan nhà nước tới xu hướng tăng thu, gây ra khó khăn cho xã hội, cho doanh nghiệp. Đây vẫn là một mâu thuẫn. Trong khi đó, đối với ngân sách thì điều cần nhất là giảm chi thường xuyên thì không làm được”, bà Chi Lan thẳng thắn.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách), việc cắt giảm nhân sự hiện nay là câu chuyện cực kỳ phức tạp, không hề đơn giản tí nào. TS. Cường cho rằng trước chính phủ kiến tạo, chúng ta cần chính phủ kỷ cương, tức là làm việc đúng nguyên tắc, kỷ luật. Cấp trên và cấp dưới phải thực hiện đồng bộ.
Một vấn đề nữa khiến TS. Cường lo ngại, đó là việc chúng ta vừa muốn tham gia các hiệp ước quốc tế, vừa muốn duy trì mức độ nhất định về chi tiêu, đây là một thách thức không hề dễ dàng gì.
“Vấn đề về tăng trưởng kề kinh tế có làm tăng tiền lương hay không, hay lại rơi vào một nhóm nào đó (nhóm những người có đất đai, tài sản vốn) như vậy rõ ràng về mặt xã hội là tăng trưởng không bao trùm”, TS. Cường bộc bạch.
Do đó, theo TS. Cường, việc kiểm soát chi tiêu thông qua kiểm soát tài khoản ngân hàng cực kỳ quan trọng, nêu không nó sẽ chi phối cả nền kinh tế trong suốt thời gian dài.
Anh Đức