Phẩm chất của người làm báo, đòi hỏi phải có cái TÂM trong sáng. Chữ TÂM chính là hạt nhân của bản chất con người. Quan hệ giữa người với người nảy sinh từ cái TÂM. Con người ta, ai cũng muốn giao tiếp, mà mọi cuộc giao tiếp đều có căn nguyên từ cái TÂM và giao tiếp thành công cũng từ cái TÂM. Sở dĩ, có quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, vợ với chồng, quan hệ trong gia đình, dòng họ, xóm giềng, làng nước, quốc gia, quốc tế… đều xuất phát từ cái TÂM. Quan hệ trong giao tiếp báo chí cũng không ngoài cái TÂM ấy.
Cuộc sống - tức là thực tiễn - là gốc mà hoa trái là các bài báo. Không có gốc tốt, không thể có hoa thơm quả ngọt. Không có thực tiễn thì không thể có bài báo hay. Thực tiễn là gốc của lý luận, là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, văn nghệ sỹ, là tiêu chuẩn của chân lý và cũng là nguồn vô tận của báo chí. Vốn thực tiễn cùng với lý luận là tài sản vô giá của người làm báo.
Thực tiễn là gốc của lý luận, là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, văn nghệ sỹ, là tiêu chuẩn của chân lý và cũng là nguồn vô tận của báo chí làm báo, phải học tập lý luận, trau dồi nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức một cách toàn diện
Người làm báo, phải học tập lý luận, trau dồi nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức một cách toàn diện. Học lý luận không bao giờ là đủ, song dù trình độ lý luận đến đâu mà không đi sát cuộc sống, không hằng ngày, hằng giờ quan sát thực tiễn và suy nghĩ những gì đang diễn ra trong thực tiễn, góp một tiếng nói vào sự giải quyết các vấn đề thời sự nóng bỏng trong thời cuộc, thì không thể có những đề tài hay, càng không thể có những bài báo hay được.
Muốn được người khác biết đến và hoan nghênh những cái hay, cái đẹp của mình - đó là một đặc tính thường tình của con người. PV viết và đăng một bài mà mình cho là hay, thì cũng muốn được độc giả khen bài đó. Tuy nhiên, cần nắm vững phương châm khi đã giao tiếp với nhau, thì dứt khoát phải đứng trên lập trường của người mà đối xử với người: “Nếu ta đối xử với người theo lập trường của người, thì người cũng đứng trên lập trường của ta mà đối xử với ta”.
Chống tiêu cực là một cuộc đấu tranh phức tạp ngoài xã hội, phản ánh vào cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ. Những kẻ tham nhũng, hối lộ tìm mọi cách chống lại, họ bất chấp cả pháp luật, đạo lý và dĩ nhiên không ưa gì báo chí. Không khi nào họ chịu cung cấp thông tin thực cho phóng viên...
Phải vận dụng quan điểm của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch đó là có khuyết điểm cũng chưa đáng sợ, cái đáng sợ là có khuyết điểm mà không nhận ra hay không dám nhận và không kiên quyết sửa chữa, nếu dám nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, thì khuyết điểm hóa thành ưu điểm. Như vậy, khơi thác thông tin về tiêu cực và chống tiêu cực vẫn tạo được một không khí phấn khởi và thoải mái, tự nhiên.
Có thể nói, điều kiện cơ bản nhất để thực hiện thành công các cuộc tiếp xúc báo chí của phóng viên là do bản lĩnh của người phóng viên quyết định. Bản lĩnh đó - đòi hỏi phải thật vững vàng mới ứng xử tốt trong mọi tình huống giao tiếp báo chí. Nó được thể hiện qua lập trường, quan điểm, nghiệp vụ báo chí… cũng như việc tích lũy kinh nghiệm thực tế và đạo đức trong sáng của người làm báo.
Và người làm báo luôn phải lấy chữ TÂM, chữ ĐỨC làm đầu. Đó là một điều kiện cơ bản để trở thành một thành viên chính thức của một tờ báo, tạp chí, một hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam và một cán bộ báo chí được cấp thẻ nhà báo. Đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết để có đủ tư cách là một chủ thể trong giao tiếp báo chí...
Xuân Phong