Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội toàn cầu; làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng cung và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam chúng ta đã hoàn thành mục tiêu kép, đó là: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đã ban hành Nghị Quyết 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 công bố một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều đó khẳng định tầm nhìn và khát vọng vươn lên vì một “Việt Nam hùng cường” của chúng ta trong điều kiện bình thương mới.

Song hành với đó, chúng ta đã đạt được rất nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ thương mại với các đối tác hàng đầu trên thế giới. Tính tới đầu năm 2021 này, chúng ta đã có 14 Hiệp định (FTA) có hiệu lực, cho phép kết nối Việt Nam với 52 đối tác, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu thế giới; đặc biệt phải kể đến Hiệp định thương mại EVFTA được chính thức ký kết và có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.

Hiệp định EVFTA được ký kết thành công thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và các bộ ngành hữu quan trong suốt gần 10 năm đàm phán là vô cùng to lớn và điều này khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế của Đất nước, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập trung mọi nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế của nước ta tham gia một thị trường đầy tiềm năng và phát triển – Thị trường EU với GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, Hiệp hội luôn đồng hành cùng Bộ Công Thương, cùng các hội viên nghiên cứu các giải pháp; đặc biệt tập trung nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời trang bị cho các doanh nghiệp Việt Nam đầy những công cụ, nền tảng số giúp nâng cao nâng suất, đảm bảo chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu. Một trong những giải pháp mà chúng tôi tin tưởng sẽ giúp chúng ta có thể nhanh chóng đưa hàng hóa “make-in-Việt Nam” đến với thị trường châu Âu, đó là “Sàn Thương mại điện tử Việt Nam-EU.

“Sàn Thương mại điện tử Việt Nam - EU” thể hiện khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn kết nối, làm ăn với các doanh nghiệp quốc tế, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ, mức độ sẵn sàng về nội lực để tham gia hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. 

Minh Anh