Hệ thống tên lửa ICBM của Nga (Ảnh: Sputnik)
Đúng 60 năm trước, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên trên thế giới đã vọt lên bầu trời từ sân bay vũ trụ Baikonur của Liên Xô. Theo chuyên gia Alexander Khrolenko, đó là bước tiến đầu tiên trên chặng đường xây dựng lá chắn hạt nhân của Nga.
"Các nhà thiết kế R-7 (NATO định danh: SS-6 Sapwood) đã phóng thành công tên lửa này trong lần phóng thử nghiệm thứ 3 diễn ra vào ngày 21/8/1957. Tên lửa đã vượt qua khoảng cách 5.600km và vươn tới mục tiêu ở bãi thử Kura.
6 ngày sau, Liên Xô chính thức tuyên bố đã có trong tay một loại ICBM đủ khả năng hoạt động - sớm hơn 1 năm so với Mỹ, từ đó mở rộng đáng kể vành đai an ninh" - ông Khrolenko cho hay.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Liên Xô và Liên bang Nga sau này vẫn tiếp tục nghiên cứu và cải tiến lá chắn hạt nhân.
Hiện nay, ICBM mạnh nhất của Nga là R-36M2 Voyevoda (SS-18 Mod 5), với tầm bắn 15.000km và có khả năng mang 10 đầu đạn có sức công phá 170 kiloton.
Song đó chưa phải là tất cả: Các thuật toán tác chiến của ICBM đã được nâng cao. Ngoài ra, hệ thống răn đe hạt nhân (bao gồm các phương tiện mang vũ khí hạt nhân trên bộ/không/biển) của Nga ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Giờ đây, Nga đã có trong tay bộ ba hạt nhân có thể tiêu diệt kẻ địch tiềm tàng trong bất cứ tình huống nào.
"Nga có khả năng tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trả đũa ngay cả khi cơ quan lãnh đạo tối cao xảy ra bất trắc" - ông Khrolenko viết, đề cập tới hệ thống Perimeter nổi tiếng (còn được gọi là Dead Hand - tạm dịch: bàn tay thần chết) mà Liên Xô phát triển đầu những năm 1970.
Liên Xô nảy ra ý tưởng này để đáp trả học thuyết chiến lược "tấn công phủ đầu" mà Mỹ đề ra nhằm tiêu diệt bộ máy lãnh đạo của quốc gia đối địch, từ đó làm suy yếu khả năng tấn công trả đũa bằng hạt nhân của họ.
Một vụ phóng tên lửa RS-20 Voyevoda (SS-18 Satan). Ảnh: Sputnik
Hệ thống Perimeter đi vào hoạt động từ tháng 1/1985 và trong nhiều năm sau đó, nó đã đảm bảo an toàn cho nước Nga, giúp giám sát tình hình và duy trì kiểm soát hàng nghìn đầu đạn hạt nhân.
Vậy, hệ thống này hoạt động như thế nào?
"Khi thực hiện nhiệm vụ, các trung tâm kiểm soát di động và cố định (của hệ thống) sẽ đánh giá hoạt động địa chấn, mức độ bức xạ, áp suất và nhiệt độ, theo dõi tần số sóng vô tuyến quân sự, ghi lại cường độ liên lạc, theo dõi chặt chẽ dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa" - ông Khrolenko giải thích.
Sau khi phân tích những dữ liệu này và một số dữ liệu khác, hệ thống có thể tự động ra quyết định có tấn công trả đũa hay không, trong trường hợp cơ quan chỉ huy không còn khả năng kích hoạt hệ thống chiến đấu.
"Sau khi phát hiện ra dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân, hệ thống sẽ báo cáo cho Bộ tham mưu.
Nếu câu trả lời là 'cứ bình tĩnh', hệ thống sẽ nối lại hoạt động theo dõi tình hình. Nếu không có câu trả lời, Perimeter sẽ truyền yêu cầu tới hệ thống điều khiển tên lửa chiến lược 'Kazbek'.
Nếu Kazbek cũng không có phản hồi nào thì hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động của Perimeter (dựa trên phần mềm trí thông minh nhân tạo) sẽ tự quyết định phát động tấn công trả đũa, vì nó nhận thức được rằng 'đã đến lúc'".
Lúc này, không có cách nào để dừng, vô hiệu hóa hoặc phá hủy hệ thống Perimeter.
"Không phải ngẫu nhiên mà giới phân tích quân sự phương Tây gọi Perimeter là 'Bàn tay thần chết'" - Vị chuyên gia nhấn mạnh.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, "cỗ máy ngày tận thế" của Nga được đưa ra khỏi lực lượng trực chiến vào năm 1995.
Tuy nhiên, theo ông Khrolenko, Mỹ và đồng minh lại không đánh giá cao thiện chí của người Nga. Họ thậm chí có nhiều động thái áp sát biên giới Nga.
Vì thế, vào tháng 12/2011, trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakaev đã tuyên bố tái kích hoạt hệ thống Perimeter.
Theo ông Khrolenko, đáng lưu ý là Nga còn có một hệ thống mạnh không kém, đó là Status-6, trang bị các đầu đạn hạt nhân với sức công phá 100 megaton và có thể còn nhiều hệ thống khác nhưng chưa được công khai.
Theo Tri thức trẻ