(THCL) _Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như cả nước tình trạng “bát nháo”: Kinh doanh không phép, mất an toàn, ăn cắp vỏ bình, gian lận trọng lượng gas, sang chiết gas trái phép... liên tục được phát hiện.
Trước vấn nạn nhức nhối trên, dư luận không khỏi hoài nghi về công tác kiểm tra, quản lý của nhiều cơ quan chức năng liên quan.
Gas lậu vẫn “tung hoành”
Quản lý thị trường gas ở Việt Nam là việc… quá khó. Tình trạng chiếm dụng, ăn cắp vỏ bình bằng cách cắt tai, xóa mã số, tên hãng gas, gian lận trọng lượng bình gas, san chiết gas trái phép... chỉ là vấn đề bề nổi trong quản lý thị trường. Những quy định ban hành, xây dựng trong thời gian qua chỉ những doanh nghiệp làm ăn chân chính mới thực hiện; còn những đơn vị mang tính đầu cơ, chộp giật, vi phạm thường xuyên nhưng ít bị xử lý.
Hàng loạt vụ sang triết gas lậu với quy mô lớn được cơ quan chức năng phát hiện, như: Vụ phát hiện Trạm chiết nạp gas lậu Minh Phúc tại ấp 4, xã Mỹ Yên (Bến Lức, Long An) với hơn 1.000 bình gas mang các nhãn hiệu như Thủ Đức gas, Shell gas, MT gas, SP, Petrolimex gas, Siam gas, Gia Đình gas, Vinagas… Theo ước tính, với hơn 1.000 bình, mỗi ngày chiết nạp khoảng 15 tấn gas, lợi nhuận thu về từ 40 - 50 triệu đồng.
Tháng 9/2014, đoàn liên ngành của tỉnh Ninh Bình phát hiện Công ty TNHH Gas Ninh Bình (TX. Tam Điệp) chiết nạp gas và tàng trữ hàng trăm vỏ bình của hơn chục hãng khác nhau.
Ngày 21/10, Công an quận Nam Từ Liêm cùng với Công an phường Mỹ Đình 1, đã phát hiện khu sang chiết ga trái phép với quy mô lên tới hàng trăm bình gas của nhiều hãng gas khác nhau,
Ngày 25/10, Tổ công tác Đội 4 - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 16 - Chi cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện cơ sở đang có hành vi sang chiết gas trái phép tại địa bàn phường Thạch Bàn quận Long Biên. Tại đây, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản hàng trăm bình gas được sang chiết trái phép…
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: “Thị trường gas hiện rất manh mún. Tổng sản lượng hơn 1,2 triệu tấn gas/năm, nhưng có tới gần 80 đầu mối cùng tham gia kinh doanh. Trong khi với sản lượng gần 5 triệu tấn/năm, cả đất nước Thái Lan chỉ có 5 - 6 đầu mối. Do đặc thù phải đầu tư lớn, trong khi lượng tiêu thụ thấp, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách để tồn tại”.
Năm 2013, tình trạng sản xuất gas rởm với nhiều chiêu trò ăn gian đối với người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát. Trong năm 2014, tình trạng kinh doanh gas trái phép vẫn còn tiếp diễn và phức tạp do những chính sách về quản lý gas chưa thay đổi kịp với tình hình phát sinh của thực tế thị trường, mặt khác kết quả kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm còn ít và nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Được biết, ở thời điểm hiện tại, thị trường gas đang có rất nhiều cơ quan chức năng quản lý như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH, Cục QLTT…
Mặc dù có nhiều cơ quan cùng quản lý các đại lý kinh doanh gas, nhưng sau khi cấp phép, khâu quản lý, hậu kiểm lại gần như bị bỏ trống. Các đại lý vẫn tha hồ tung hoành về giá, về gas giả, gas nhái và sang chiết gas một cách công khai, thoải mái.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì: “Lực lượng phân công, quản lý đã rõ ràng. Tuy nhiên, có điều lạ là tại sao nhiều loại gas được sang chiết vào các loại vỏ bình khác nhau mà người dân nhìn thấy, trong khi các cơ quan chức năng không phát hiện ra? Phải chăng, do sự yếu kém của các cơ quan chức năng hay có sự “bao che”, “bảo kê” cho những sai phạm này? Có chăng, vì việc “bao che”, “bảo kê” ấy nên đến khi có sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng mới né tránh và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?”
Duy Thế - Thiên Đức