Tuần đầu tiên của năm mới ghi nhận hoạt động bán ròng của khối ngoại phần nào hạ nhiệt. Tính cả năm qua, khối ngoại đã bán ròng 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trước đó, năm 2022 khối ngoại đã mua ròng tới hơn 29.000 tỷ đồng. Do đó, một số ý kiến cho rằng, việc bán ròng năm qua cơ bản là chốt lời. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là: Khi nào khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng?

Đại diện một quỹ ngoại kỳ vọng, mặt bằng lãi suất năm 2024 tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ là cơ sở để dòng tiền, cả nội và ngoại, đổ vào thị trường chứng khoán, quan trọng là thời điểm FED hạ lãi suất.

"Xu hướng có mua ròng không thì đợi lãi suất FED cắt, nhà đầu tư quốc tế chắc chắn sẽ có đoạn quay lại mua ròng. Tuy nhiên năm 2023 bán ròng hơn 1 tỷ USD, thị trường vẫn tăng 12%. Quan trọng là dòng tiền trong nước vững chãi hơn, thực chất hơn", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán, Dragon Capital, đánh giá.

Nếu cách đây khoảng 02 tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kỳ vọng có 3 lần hạ lãi suất vào năm 2024, thì tới nay con số này đã tăng lên thành 6 - 7 lần, càng củng cố cho định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.

"Lãi suất huy động thấp nhưng cho vay giảm chưa tương ứng, có khả năng đầu năm sẽ giảm tương ứng hơn, từ 1 - 1,5%. Các doanh nghiệp dễ thở hơn trong vay vốn, chi phí tài chính tốt hơn. Đây là tín hiệu tích cực giúp dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp, đưa vào sản xuất kinh doanh, thậm chí sẽ có dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhận định.

Theo Dragon Capital, chính sách tiền tệ nới lỏng toàn cầu là cơ sở để tỷ giá của Việt Nam năm 2024 duy trì ổn định, dự báo chỉ dao động trong biên độ 3%.

Trúc Mai