Theo ông Bích, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh không vì hám lợi mà làm hàng giả, hàng nhái nông sản của Đà Lạt, làm mất uy tín nhãn hiệu nông sản địa phương, thiệt hại về mặt kinh tế cho nhà nông ở Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, ông Bích cho biết Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tiếp tục triển khai, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản để xử lý vi phạm nếu có.

Lâm Đồng: 578 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về trong 3 tháng - Hình 1

Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt các cơ sở "hô biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt

Ông Võ Ngọc Hiệp – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng thông tin, các tiểu thương, đơn vị kinh doanh các mặt hàng nông sản nhập từ Trung Quốc là theo đơn đặt hàng của các đầu mối. Có cơ sở nhập từ 30 – 60 tấn khoai tây trong vòng 2 ngày.

Ông Hiệp cũng cho biết, tại Đà Lạt có 6 cơ sở nhập nông sản Trung Quốc về sơ chế sau đó đưa đến các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh (trong 6 trường hợp có đến 4 hộ đưa về chợ Thủ Đức).

Ngoài ra, tại Đơn Dương và Đức Trọng cũng có 11 cơ sở. Tuy nhiên, qua kiểm tra các loại nông sản này đều đảm bảo chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá ngưỡng quy định.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt đưa ra một số giải pháp của thành phố như: Từ ngày 15.9 chợ nông sản Đà Lạt chỉ được buôn bán các loại nông sản của địa phương, không được vận chuyển, nhập khẩu, lưu trữ nông sản Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng không được rửa khoai sau đó lưu trữ tại các kho của chợ.

Tuy nhiên, đến nay, tất cả những giải pháp áp dụng mới mang tính tạm thời, chưa có sự đột phá, căn cơ trong việc ngăn chặn nông sản nhập lậu vào Lâm Đồng, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Bảo Ngọc (t/h)