Theo cơ quan chức năng và nhiều doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 sẽ gặp khó khăn, vì các thị trường xuất khẩu chủ chốt có nhiều biến động, lạm phát ở mức cao nên tiêu thụ hàng hóa suy giảm.

Nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới giảm, nhất là các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh như Mỹ, EU suy giảm nên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên tháng 12/2022 giảm hơn 15% so cùng kỳ.

Cụ thể, từ nửa cuối tháng 12/2022, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ngừng vận hành nhà máy để phục vụ công tác kiểm kê, bảo trì và sửa chữa dây chuyền sản xuất nên kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12 tuy tăng so với tháng trước đó nhưng lại giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 6,6% so năm trước và xuất siêu đạt 12,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 30,3 tỷ USD (chiếm 97,7% kim ngạch xuất khẩu), tăng 6,4%; khu vực kinh tế trong nước ước đạt 719 triệu USD, tăng 16% so cùng kỳ (trong đó xuất khẩu địa phương ước đạt 695 triệu USD, tăng 17,5% so cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 18,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước. 

Nhóm điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (94,5%) trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Thái Nguyên năm 2022. Nhóm phụ tùng khác ước tính đạt 29,3 tỷ USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là sản phẩm may ước đạt 502 triệu USD, tăng 9,7%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu 327 triệu USD, tăng 26,3%; sản phẩm từ sắt thép ước đạt 39 triệu USD, giảm 6,5% so cùng kỳ.

Như vậy, năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt mức xuất siêu 12,6 tỷ USD, tăng gần 7% so với năm 2021.

Lê Pháp (T/h)