Lạm phát Mỹ tăng kỷ lục trong 39 năm
Bộ Lao động Mỹ, hôm 10/12 thông tin, lạm phát tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982 trong tháng 11 vừa qua, gây áp lực lên đà phục hồi kinh tế và ảnh hưởng đến định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, chỉ số đo biến động giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, trong tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 06/1982.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là sự kết hợp của một số yếu tố bao gồm các gói kích thích kinh tế của chính phủ, mức lãi suất thấp do Cục Dự trữ liên bang điều chỉnh, thiếu hụt nguồn cung tại các nhà máy ở Mỹ và trên thế giới.
Giá năng lượng đã tăng 33,3% tính từ tháng 11/2020, trong đó riêng trong tháng 11 đã tăng 3,5%. Giá xăng tăng 58,1%. Giá thực phẩm tăng 6,1% so với cùng kỳ trong khi giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng, một yếu tố quan trọng đẩy tăng lạm phát, tăng 31,4% sau khi tăng 2,5% hồi tháng trước.
Việc chỉ số CPI tăng mạnh đang tạo áp lực đáng kể lên các hộ gia đình Mỹ, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm. Điều này cũng sẽ gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua việc triển khai dự luật cứu trợ trị giá 1,9 ngàn tỉ USD ký hồi tháng 03.
Các quan chức ngân hàng Trung ương Mỹ đã phát đi thông điệp, việc giảm các biện pháp hỗ trợ hoàn toàn cần thiết để kiềm chế lạm phát. Nhà đầu tư cho rằng, FED sẽ tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp chương trình mua tài sản, nhiều khả năng bắt đầu từ tháng 1/2022. Điều này cho phép FED có thể nhanh chóng nâng lãi suất từ mùa xuân năm sau.
Nhật Bản khủng hoảng chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu thô leo
Tại Nhật Bản, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) - được sử dụng để đo lường mức giá mà các công ty tính phí hàng hóa và dịch vụ của nhau - trong tháng 11/2021 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng theo năm cao chưa từng thấy kể từ khi Nhật Bản công bố dữ liệu này vào năm 1981, một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu thô leo thang đang trút sức ép lên giá cả hàng hóa và dịch vụ bán lẻ. Trong bối cảnh giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng do đồng yen suy yếu, tình trạng trên đã "xát muối vào vết thương" của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn đang trong hành trình phục hồi từ đại dịch Covid-19. "Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều mặt hàng. Vì thế, giá cả có thể tăng ở hàng loạt sản phẩm. Điều này có thể khiến tiêu thụ sụt giảm" - chuyên gia kinh tế Takeshi Minami của Viện Nghiên cứu Norinchukin (Nhật Bản) khẳng định.
10 tháng liên tiếp GDP của Anh không tăng trưởng
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), ngày 10/12, kinh tế của quốc gia này gần như không tăng trưởng trong tháng 10, ngay cả từ trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 10 của Anh chỉ tăng 0,1%, giảm mạnh so với mức tăng theo tháng 0,6% của tháng 9.
Khẳng định tỉ lệ lạm phát tăng nhanh cùng với sự xuất hiện của Omicron có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới suy thoái một lần nữa, chuyên gia Maike Currie của Công ty Fidelity International (Anh) dự đoán Ngân hàng Anh nhiều khả năng sẽ không nâng lãi suất vào tuần tới như dự đoán.
Kinh tế Anh phục hồi ấn tượng vào đầu năm nay sau khi suy giảm 10% vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tốc độ phục hồi đã chậm lại vì những nỗi lo liên quan đến chuỗi cung ứng và Omicron.
Giá thực phẩm Trung Quốc tăng liên tục
Giá rau tươi ở Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã tăng 30,6% so với một năm trước đó. Dù nguồn cung cấp rau đã tăng trong tháng 11 song giá vẫn tăng 6,8% so với tháng 10.
Số liệu trên được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 09/12. Nhìn chung, giá thực phẩm Trung Quốc trong tháng 11 tăng 1,6% so với một năm trước, chung đà tăng với thế giới. Đại diện Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên Hiệp Quốc cho biết, giá thực phẩm toàn cầu của tháng 11 tăng 27,3% so với một năm trước, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2011.
Tại Trung Quốc, giá trứng tháng 11 tăng vọt thêm 20,1%, cá nước ngọt tăng 18%. Riêng giá thịt heo tháng 11 tuy vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm giá cao ngất hồi năm ngoái nhưng đã tăng 12,2% so với tháng 10-2021.
Theo Reuters, chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc, vốn rất nhạy cảm với giá thịt heo, đã tăng 2,3% trong tháng 11 vừa qua. Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu việc giá cả tăng tương đối nhanh và hoạt động kinh tế đình trệ có kéo tăng trưởng đi xuống hay không.
Q.N (t/h)