Giá xăng dầu trong nước đã tăng 5 lần liên tiếp từ tháng 9 đến nay và là nguyên nhân quan trọng đẩy Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, gây áp lực lạm phát. Trong ảnh: Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Đây là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành. Song, hiện cũng đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại, đặc biệt là đà tăng của giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm, có thể trở thành tác nhân đẩy lạm phát lên cao trong thời gian tới, đòi hỏi phải chủ động các giải pháp khống chế.

Áp lực đẩy CPI tăng

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, có thể an tâm trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2021. Song, đó là vấn đề trước mắt và vẫn cần quan tâm đến một số nguy cơ sẽ đẩy CPI tăng thời gian tới.

Trước hết, giá rau xanh, củ, quả đã tăng 1,3-1,5 lần trong một tháng gần đây, trong khi đây là mặt hàng không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày của mỗi gia đình. Tiếp đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng 5 lần liên tiếp từ tháng 9 đến nay và là nguyên nhân quan trọng kích đẩy CPI tăng, khi xăng dầu là đầu vào quan trọng, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu chi phí của nhiều loại hàng hóa.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó có nhóm chỉ số giá vật liệu xây dựng. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê), tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm 12-16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng 40-45% so với thời điểm cuối năm 2020. Ngoài ra, giá đất đắp nền, xi măng, cát, sỏi… cũng có xu hướng tăng, qua đó làm gia tăng nguy cơ lạm phát.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, áp lực lạm phát năm 2022 là rất rõ, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng hơn; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước. Chia sẻ nhận định trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát từ kinh tế thế giới rất lớn.

Kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi càng đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng cao, khiến nguồn cung có thể thấp hơn cầu và hệ quả là giá xăng dầu tăng có thể kéo dài sang năm 2022. Tổ chức Năng lượng quốc tế và Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ tác động mạnh vào giá thành sản phẩm cuối cùng. Đáng chú ý, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36%.

Bám sát thực tế, linh hoạt điều hành

10 tháng năm 2021, có 8 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, traong đó có nhóm chỉ số giá vật liệu xây dựng kàm gia tăng nguy cơ lạm phát. Ảnh: Đỗ Tâm

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), giá xăng dầu tăng thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến và kết quả khống chế dịch Covid-19. Kinh tế toàn cầu cần nhiều thời gian để phục hồi thật sự, do vậy, không nên quá lo ngại về ảnh hưởng của giá xăng dầu đối với CPI.

Thực tế cho thấy, giá xăng dầu rất khó đoán định nên rất cần nâng cao năng lực dự báo cũng như có kịch bản ứng phó phù hợp. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần theo dõi tình hình để nhập xăng dầu ở thời điểm mà giá cả hợp lý, bên cạnh đó là phát huy cao nhất khả năng tự đáp ứng nhiên liệu từ nguồn cung trong nước. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, hai bộ đã phối hợp nhịp nhàng cùng các doanh nghiệp trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Những giải pháp này góp phần giảm một phần tác động của giá xăng dầu tăng đến lạm phát.

Năm 2022, Chính phủ đã dự kiến tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ phải bám sát diễn biến thực tế và linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Đây là giải pháp mà Việt Nam đã ưu tiên trong nhiều năm qua. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, diễn ra cuối tháng 10-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, như: Xăng dầu, điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh và sinh phẩm…, chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, công tác bình ổn thị trường có vai trò quan trọng. Ngoài xăng dầu, cần lưu ý cả giá lương thực, thực phẩm - những mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Những yếu tố cần chủ động xử lý là cắt giảm tối đa các khâu trung gian, tiết giảm chi phí trung chuyển, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Nhằm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương cho hay sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống nạn đầu cơ, khan hàng cục bộ, sốt giá ảo...

Theo Hà Nội mới