Lần đầu được trồng thí điểm tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) theo quy trình VietGAP, cây ngô nếp cho thấy sự phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao. Vụ Đông 2022, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn tiến hành hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ninh Cầm (xã Tân Dân) canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP. Mô hình được triển khai trên tổng diện tích 15ha, với sự tham gia của 243 hộ dân.

Thu về 152 triệu đồng mỗi héc-ta

Theo bà Nguyễn Thị Tám (thôn Ninh Cầm), khi tham gia mô hình thí điểm, gia đình được trang bị kỹ năng ghi chép Sổ tay chất lượng áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đồng thời được tập huấn kỹ thuật trước khi thực hành canh tác theo quy trình VietGAP, và đặc biệt là được hỗ trợ 50% chi phí giống cây trồng.

Kết quả đánh giá thu hoạch ngô nếp canh tác theo quy trình VietGAP mới đây trên cánh đồng thôn Ninh Cầm cho thấy hiệu quả rất tích cực.

Theo đó, một sào ngô nếp sản xuất theo quy trình VietGAP, khi thu bắp loại 1 đạt 1.500 bắp. Với mức giá thu mua bình quân tại ruộng là 4.000 đồng/bắp, mỗi sào sẽ cho doanh thu 6 triệu đồng. Đối với bắp loại 2, bà con thu được 300 bắp trên mỗi sào canh tác. Với mức giá thu mua trung bình của thương lái tại ruộng hiện nay là 2.500 đồng/bắp, nông dân thu về 750.000 đồng cho mỗi sào canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP.

Kiểm tra chất lượng ngô nếp canh tác theo quy trình VietGAP trên cánh đồng thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Kiểm tra chất lượng ngô nếp canh tác theo quy trình VietGAP trên cánh đồng thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ông Đỗ Văn Thu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ninh Cầm cho biết: Tổng doanh thu từ mỗi sào canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP vào khoảng 6.750.000 đồng; trừ chi phí khoảng 1.240.000 đồng, tiền lãi thu về được 5.510.000 đồng/sào, tương đương hơn 152 triệu đồng/ha. So với sản xuất ngô đại trà, ngô nếp trồng theo quy trình VietGAP có giá trị cao hơn từ 80 triệu đồng/ha…

Hơn cả giá trị kinh tế

Không chỉ thu bắp làm thực phẩm, bà con nông dân thôn Ninh Cầm còn tận thu thân, lá cây ngô nếp để ủ chua làm thức ăn chăn nuôi.

Việc tận dụng tối đa sản phẩm trồng trọt giúp xử lý được phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và giảm tình trạng đốt phế phẩm... Đánh giá về mô hình ngô nếp canh tác theo quy trình VietGAP, bà Hoàng Thị Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết: Mô hình canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, mà còn giúp nâng cao nhận thức cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng.

“Mô hình cũng giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thân và lá được ủ chua làm thức ăn chăn nuôi, tạo quy trình khép kín, tuần hoàn trong sản xuất. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn có độ tuổi trên 50 tuổi có việc làm và thu nhập từ nông nghiệp vụ Đông”, bà Hà nói.

Được biết, mô hình ngô nếp canh tác theo quy trình VietGAP là một trong 6 vùng trồng mà địa phương phối hợp, hỗ trợ nông dân sản xuất trong năm 2022. “Thời gian tới, huyện đề nghị Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục quan tâm, phối hợp với huyện trong việc xây dựng các vùng sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP. Đồng thời, chính quyền địa phương, sẽ tăng cường thông tin, quảng bá, đẩy mạnh kết nối, giao thương để hỗ trợ tiêu thụ ngô nếp ổn định cho người nông dân..., Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Minh An (T/h)