Đồng Tháp xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng xoài. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xoài Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng,với 327 mã số, tương đương gần 6.000 ha.

Xoài Đồng Tháp tại vườn. Ảnh internet
Xoài Đồng Tháp tại vườn. Ảnh internet.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, xoài chiếm hơn 33% tổng diện tích cây ăn trái của Đồng Tháp (khoảng 14.000 ha), xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng.

Những giống xoài chủ lực gồm: Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh và xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU trong thời gian qua. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xoài Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số, tương đương gần 6.000 ha.

Diện tích xoài vùng ĐBSCL chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước với sản lượng hơn 567.000 tấn nhưng ngành xoài khu vực này vẫn đang đặt ra nhiều thách thức về chất lượng, khâu bảo quản, công nghệ chế biến hay các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngoài ra, vấn đề liên kết, chế biến, tiêu thụ của một số địa phương vẫn đang bộc lộ nhiều bấp cập cần phải giải quyết căn cơ, bài bản để xây dựng thương hiệu, uy tín của ngành xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Xoài Đồng Tháp. Ảnh internet
Xoài Đồng Tháp. Ảnh internet.

Năm 2013, sản phẩm xoài đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài. Năm 2019, lần đầu tiên, trái xoài Đồng Tháp - Trái Xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau hơn 10 năm trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch Việt Nam - Mỹ.

Đầu năm nay, lô xoài Cát Chu đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, đánh dấu bước tiến để trái xoài Đồng Tháp vươn ra thị trường thế giới.

Q.N (t/h)