Tín hiệu thị trường tích cực
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện xoài tươi Việt Nam đang xuất sang 22 nước, chủ yếu là thị trường Trung Quốc; sản phẩm từ xoài xuất sang 53 nước.
Năm 2021, gần 600.000 tấn xoài được xuất sang các nước, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần từ 215 tấn năm 2020 lên 640 tấn năm 2021, tương tự Hàn Quốc tăng 130% sản lượng,... Tín hiệu thị trường tích cực mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu xoài cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, để giữ vững và mở rộng, phát triển thị trường đòi hỏi nhà vườn phải liên tục nâng cao chất lượng. Bởi theo Cục BVTV, hiện cả nước có 845 mã số vùng trồng xoài, diện tích 42.000 ha chiếm 31%. Riêng xoài Cát Chu xuất sang Nhật có 16 mã số vùng trồng được cấp, chủ yếu tại Đồng Tháp.
Mất 05 năm đàm phán, Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu xoài Cát Chu của Việt Nam. Đầu năm 2022, nước này thông báo dừng nhập khẩu xoài do sự cố một doanh nghiệp xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào các lô xoài Cát Chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ nhập xoài Cát Chu trồng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhật Bản hiện là thị trường tiềm năng của trái xoài Việt Nam, tuy nhiên hiện nay các yêu cầu nhập khẩu đối với thị trường này đã có sự thay đổi. Cụ thể, Nhật Bản yêu cầu xoài Việt Nam phải đảm bảo các quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói…
Chính vì vậy, để xuất khẩu ổn định sang thị trường này đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành, địa phương và nông dân, phải có cách tổ chức, giám sát phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường cấp mã số vùng trồng cho xoài
Theo Cục BVTV, hiện số lượng mã số vùng trồng các chi cục địa phương quản lý hiện rất lớn. Trên quan điểm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về mã vùng trồng, cũng như các kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"..., Cục BVTV chủ trương bàn giao dần những mã số đã được cấp từ chi cục về huyện (trạm trồng trọt và BVTV huyện, phòng NN&PTNT huyện).
Trong quá trình chuyển giao, chi cục địa phương cần phối hợp với các đơn vị cấp huyện giám sát mã số vùng trồng theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu. Hàng năm, chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại công tác giám sát mã số vùng trồng đã cấp, với tỷ lệ khoảng 10 - 15% hồ sơ mà trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện quản lý.
Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ chỉ kiểm tra các vùng trồng được đề nghị cấp mã số mới. Trong quá trình này, cần tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp để thay đổi nhận thức.
Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất – Production Unit Code - PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số này được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt, cấp.
Quy trình cấp mã bao gồm các bước thẩm định về đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu, kiểm tra nhật ký ghi chép, vệ sinh vườn, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi được cấp mã số, hằng năm chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật sẽ kiểm soát trước kỳ thu hoạch nông sản để có báo cáo việc giữ hay thu hồi mã số.
Hiện cả nước có 845 mã số vùng trồng xoài, diện tích 42.000 ha chiếm 31%. Riêng xoài cát chu xuất sang Nhật có 16 mã số vùng trồng được cấp, chủ yếu tại Đồng Tháp. Bên cạnh xuất khẩu Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến khích các tỉnh có chuỗi cửa hàng đặc sản ở các đô thị lớn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. |
Hà Trần