Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Làng cổ Đường Lâm: Để di tích trường tồn

Làng cổ Đường

Làng cổ Đường Lâm đậm đầy các di sản văn hóa - nơi người dân vẫn đang cư trú, sinh sống và xây dựng, phát triển đi lên theo dòng chảy lịch sử. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở đây, vừa phải bảo vệ và tôn vinh được các giá trị văn hóa, vừa không được làm ngắt mạch dòng chảy lịch sử đó. Thời gian qua, TX. Sơn Tây đã rất nỗ lực trong việc thực hiện chủ trương này bằng những việc làm cụ thể.


Kế hoạch bảo tồn

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 519-TB/TƯ ngày 24/5/2013 của Bí thư Thành ủy và Thông báo kết luận số 146/TB-UBND ngày 14/5/2013 của Chủ tịch UBND TP về giải quyết các kiến nghị của nhân dân tại di tích làng cổ Đường Lâm, UBND TX. Sơn Tây đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, ban liên quan của TX và xã Đường Lâm; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương, chủ động, phối kết hợp với các sở, ngành của TP thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, địa phương đã chủ động lên kế hoạch, phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân tại làng cổ Đường Lâm, có sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân.

Lãnh đạo TX ghi nhận và giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền; những vấn đề vượt quá thẩm quyền, đã tiếp thu, báo cáo UBND TP và các sở, ngành xem xét, từng bước giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải.

Bên cạnh đó, cơ quan MTTQ được chỉ đạo cùng với các tổ chức đoàn thể từ TX đến cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động từng cán bộ, hội viên, đoàn viên, từng hộ dân… để làm sao người dân hiểu rõ những giá trị của di tích và tích cực tham gia quản lý, bảo tồn – phát huy giá trị của di tích.

UBND TX đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm (QLDT) tiến hành phối hợp với các đoàn thể của TX và xã Đường Lâm, tổ chức được 3 buổi tuyên truyền cho trên 360 đối tượng là hội viên, đoàn viên Hội PN, Hội ND, Hội CCB… xã Đường Lâm.

Dựa vào tiêu chí “gắn công tác phát huy giá trị di tích với công tác quản lý trật tự xây dựng tại làng cổ Đường Lâm”, các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra chặt chẽ tình hình xây dựng tại di tích, không để xảy ra hiện tượng vi phạm. Phòng Quản lý đô thị và Ban QLDT đã làm việc với Sở XD, Sở VH-TT&DL đề nghị hướng dẫn cụ thể quy trình cấp phép tại Đường Lâm, cũng như thỏa thuận việc cấp phép cho những hộ dân không phải là di tích; tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép giúp người dân thiết kế từng ngôi nhà…, trên cơ sở trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, Đề án thiết kế ngôi nhà mẫu (do Viện Bảo tồn di tích tư vấn), đang từng bước hoàn thiện, sẽ làm cơ sở quan trọng trong việc phát huy truyền thống, phù hợp với cảnh quan di tích.

Công việc cần kíp

Trưởng ban QLDT Phạm Hùng Sơn cho biết, sau hàng loạt cơ sở dữ liệu khoa học về công tác xây dựng và bảo tồn, đưa ra tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, có sự đóng góp tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản, ngày 21/8/2013, UBND TP có Thông báo số 250/TB-UBND về Kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tại buổi họp nghe báo cáo về Đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm tỉ lệ 1/2000.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cơ bản thống nhất với nội dung của đồ án; yêu cầu TX. Sơn Tây chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn bổ sung nội dung đồ án quy hoạch. Hiện nay, Tổ biên tập (12 thành viên) đang khẩn trương hoàn thiện đồ án, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2013.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu thiết thực đời sống của người dân làng cổ Đường Lâm, mặt khác, dựa vào nội dung chi tiết của đồ án, Ban QLDT được giao nghiên cứu phân loại theo từng khu vực không gian để xây dựng, cải tạo nhà ở sao cho phù hợp.

Theo đó, đối với vùng bảo vệ 1 của làng cổ, tại các khu vực nhà loại 3 và loại 4, cải tạo xây dựng nhà ở  có quy mô từ 1 – 2 sàn tầng (theo mẫu thiết kế); chiều cao cho phép 7,5 m đối với 2 sàn tầng, hài hòa với không gian nhà cổ 1 tầng (cao 5,5 m) và tùy vào vị trí không gian, diện tích khuôn viên đất. Các công trình xây dựng mới có kiến trúc đồng dạng với công trình nhà cổ, mái ngói dốc truyền thống theo mẫu thiết kế; vận động nhân dân cải tạo, xây dựng nhà 1 tầng. Những trường hợp khó khăn về diện tích ở, được ưu tiên cấp đất giãn dân hoặc cải tạo xây dựng nhà 2 sàn tầng theo mẫu quy định.

Đối với vùng bảo vệ 2, tại các khu vực nhà loại 3 và loại 4, cải tạo xây dựng nhà ở có quy mô từ 1 – 3 sàn tầng (giảm dần) theo nguyên tắc tương tự  vùng bảo vệ 1; chiều cao tối đa cho phép 8,8 m cho công trình 2 sàn tầng và 10,6 m cho công trình 3 sàn tầng…

“Ngày 6/9/2013, Bộ VH-TT&DL đã có Công văn số 3257/BVHTTDL-DSVH về việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Vì vậy, UBND TX đang chỉ đạo Ban QLDT và đơn vị tư vấn tập hợp ý kiến đóng góp về Quy định quy hoạch, trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, tiến tới trình UBND TP phê duyệt trong tháng 10/2013”, anh Sơn cho hay.

Phương án giãn dân

Đề cập tới “những trường hợp khó khăn về diện tích ở, được ưu tiên cấp đất giãn dân hoặc cải tạo xây dựng nhà 2 sàn tầng theo mẫu quy định”, lãnh đạo TX Sơn Tây cho biết, căn cứ nhu cầu xây dựng hàng năm tại khu vực di tích, từ năm 2005 đến nay, có khoảng 320 hộ dân cần phải giãn (trung bình 40 hộ dân/năm x 8 năm); dự kiến đến năm 2020, cần phải tiếp tục giãn khoảng 300 hộ dân.

UBND TX đã giao cho Ban Đầu tư xây dựng triển khai lập Quy hoạch khu giãn dân, địa điểm tại khu Đồi Chung, thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm. Đây là vùng đồi, có thể trồng hoa màu; diện tích chừng 20 ha. Theo kế hoạch thì: giai đoạn 2013 – 2015, giãn 150 hộ dân (diện tích 4,5 ha); các giai đoạn sau sẽ tiến hành giãn các hộ còn lại. Tổng mức đầu tư là 258 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 63 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 195 tỷ đồng. Việc giãn dân được triển khai thông qua các cuộc điều tra, khảo sát thực tế (do Đoàn công tác gồm 32 thành viên tiến hành) và dựa vào nội dung của Quy chế giãn dân.

Đi đôi với đó, địa phương có kế hoạch triển khai các công trình dân sinh tại di tích mà trọng tâm là các dự án: Trường Mầm non Đường Lâm; nâng cấp, cải tạo Trạm Y tế xã; Trụ sở UBND xã…

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với địa phương đó là chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, cũng như thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

Trước thực trạng trên, UBND TX. Sơn Tây đã xây dựng cơ chế, chính sách về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, kiến nghị UBND TP. Hà Nội. Trong đó, một số nội dung chính như sau.

Đề nghị UBND TP có cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng đất (không tính suất đầu tư hạ tầng chi thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở nông thôn) và 20% tiền xây dựng nhà theo suất đầu tư cho các hộ dân được giao đất ở mới.

Đề nghị được hỗ trợ tu bổ và xây dựng tại di tích làng cổ Đường Lâm (bao gồm hỗ trợ tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ các ngôi nhà cổ và nhà truyền thống).

Đề nghị được hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dạy nghề theo quy hoạch nông thôn mới.

Đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân trong khu vực di tích…

Về nguồn thu và tỉ lệ phân chia nguồn thu từ phí tham quan di tích làng cổ Đường Lâm, hiện nay, mức giá vé tham quan làng cổ rất thấp so với thị trường (20.000 đồng/1 người lớn, 10.000 đồng/1 trẻ em). Nguồn thu từ phí tham quan chỉ đảm bảo cho bộ máy quản lý và thu phí tại làng cổ Đường Lâm, không đủ để tái đầu tư cho công tác tu bổ di tích và xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Do đó, đề nghị HĐND và UBND TP xem xét, tăng giá vé tham quan di tích làng cổ Đường Lâm…

Lung linh xứ Đoài…

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 40 km, TX. Sơn Tây là một trung tâm kinh tế - văn hóa  phía tây bắc thành phố. Sơn Tây có một vị trí chiến lược quan trọng với nhiều đường giao thông thủy, bộ, nối TX với trung tâm Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc như sông Hồng, sông Tích, QL 32, QL 21A, các tỉnh lộ ĐT 414, ĐT 413... tạo một vị trí - cầu nối giữa Sơn Tây với các quận, huyện của Thủ đô và các vùng lân cận.

Sơn Tây, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra hai vị vua anh hùng dân tộc: "Bố Cái Đại Vương" - Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền, người chấm dứt đêm trường 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Sơn Tây là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt như Thám hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại... Truyền thống của quê hương đã hun đúc bao thế hệ người dân Sơn Tây, viết tiếp những trang sử vẻ vang.

Sơn Tây cũng là xứ sở của những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng (183 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 68 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh). Vùng Xứ Đoài nên thơ và cổ kính còn lưu giữ nhiều huyền tích, nhiều di sản quý giá cho muôn đời sau: Thành cổ, Đền Và, Chùa Mía, Đền Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, làng cổ Đường Lâm… với nhiều tiềm năng về du lịch, dịch vụ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Xuân Phong – Thu Lương

Tin mới

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh
Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh

Sáng 29/3, tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.

Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo
Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên
Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên

Năm qua được xem là năm khó khăn nhất của ngành bán lẻ hàng điện máy, hàng công nghệ. Do đó, các hệ thống bán lẻ đều gặp khó khăn, phải tinh gọn bộ máy và Thế Giới Di Động cũng không ngoại lệ khi cắt giảm gần 10.000 nhân viên.

Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?
Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?

Khoảng 75% ý kiến cho rằng bắt đầu công việc kinh doanh riêng hoặc làm công việc tự do là cách để có năng lực kinh tế tốt hơn. Hơn 8 trên 10 người tham gia khảo sát tại Việt Nam (82%) hiện đang thực hiện các bước để có “năng lực kinh tế cao hơn”.

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.