Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của con người Xứ Lạng
Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của con người Xứ Lạng

Chỉ còn 1 tuần nữa ngày hội sẽ diễn ra, công tác chuẩn bị đã được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, đảm bảo tốt nhất cho ngày hội. Tại thành phố Lạng Sơn (địa điểm tổ chức Ngày hội), trên khắp các tuyến đường, địa điểm diễn ra các sự kiện tại ngày hội đã được trang hoàng với hàng trăm tấm pano, áp phích khổ lớn; hoa, cây cảnh tại các tuyến đường cũng được chăm sóc, cắt tỉa đảm bảo mỹ quan, đẹp mắt.

Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch cụ thể về công tác đảm bảo an ninh, y tế. Theo đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơnđã thành lập một tổ rà phá bom, mìn vật nổ, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị vật chất theo yêu cầu; Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các địa điểm diễn ra các hoạt động của Ngày hội theo Kế hoạch; Công an tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự cho các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng phương án tăng cường đảm bảo công tác an ninh biên giới, sẵn sàng tiếp nhận làm thủ tục xuất nhập cảnh cho các đoàn đại biểu quốc tế tham dự Ngày hội.

Với tâm điểm của Ngày hội là quảng bá bản sắc, văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung và bản sắc, văn hóa, ẩm thực của Lạng Sơn nói riêng, hứa hẹn sẽ thu hút hàng vạn du khách tham gia ngày hội. Do vậy, việc đảm bảo tốt nhất việc lưu trú, du lịch, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn được chú trọng.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 300 cơ sở lưu trú với khoảng 4.000 phòng, cùng với đó là hàng trăm nhà hàng quy mô lớn có thể phục vụ từ 100 khách cùng lúc. Riêng tại thành phố Lạng Sơn, có trên 130 cơ sở lưu trú và gần 300 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống. Ban Tổ chức cùng lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn đã đến từng đơn vị lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyên truyền về ỹ nghĩa của ngày hội, công tác đảm bảo dịch vụ tốt nhất tại các cơ sở lưu trú; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở ăn uống.

Xác định hoạt động kinh doanh lưu trú giữ vai trò rất quan trọng cho thành công của ngày hội, các cơ sở lưu trú đã chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ khách. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, đã chủ động nâng cấp trang thiết bị, tu sửa buồng, phòng, đổi mới đồ dùng để thu hút du khách.

Nhân viên Khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn chuẩn bị buồng, phòng phụ vụ nhu cầu lưu trú của du khách
Nhân viên Khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn chuẩn bị buồng, phòng phụ vụ nhu cầu lưu trú của du khách

Bà Phùng Thị Trang, Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn cho biết: Là khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, Khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn hiện có hơn 239 phòng nghỉ đầy đủ tiêu chuẩn, tiện nghi, hiện đại sẵn sàng phục vụ các đại biểu và du khách. Để phục vụ cho Ngày hội, đơn vị đã lên kế hoạch cho 100% nhân viên trực làm việc, hoạt động vệ sinh, sắp xếp buồng, phòng được đơn vị chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, khách sạn cũng sẽ cung cấp thực đơn đa dạng, phong phú, nhiều món ăn đặc sản riêng của Xứ Lạng đảm bảo an toàn thực phẩm, thẩm mỹ theo yêu cầu của du khách.

Đến với Lạng Sơn, tham gia ngày hội, du khách không chỉ đắm mình vào không gian văn hóa đặc sắc, đặc trưng của vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Du khách sẽ được trải nghiệm các món ẩm thực đặc trưng của Xứ Lạng. Để đảm bảo tốt nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Tổ chức chương trình và các lực lượng chức năng đã lên kế hoạch, tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau lễ hội.

Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian diễn ra ngày hội, Đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho sự kiện diễn ra an toàn. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống về các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Chi cục sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các cớ ở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phục vụ đại biểu và du khách. Chủ động phòng ngừa và xây dựng nhiều phương án đảm bảo ứng cứu kip thời nếu xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm trong thời gian diễn ra sự kiện. Không chỉ dừng lại ở lễ hội, ngày hội sẽ kết hợp cả giải trí và thể thao, với những cuộc thi kéo co, đẩy gậy, tung còn, và đi cà kheo - những trò chơi dân gian lâu đời đã trở thành biểu tượng văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc.

Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội sẽ quy tụ các đại diện từ 8 tỉnh Đông Bắc bao gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Đây là lần thứ XI sự kiện văn hóa được tổ chức, không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn đóng vai trò là cầu nối cho sự phát triển kinh tế, du lịch, và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong khu vực. Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là sự kiện chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 – 04/11/2024) và 115 năm ngày sinh nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư xứ uỷ Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024)- người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa về chính trị, văn hóa là dịp để đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, lan tỏa tình yêu thương, động viên, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) để xây dựng lại cuộc sống yên bình, ổn định và phát triển.

Bên cạnh việc tái hiện các nghi thức lễ hội truyền thống, Ngày hội cũng là dịp để các tỉnh có cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế. Những gian trưng bày sản phẩm văn hóa địa phương hay các món ẩm thực vùng, miền không chỉ thu hút sự chú ý của du khách trong nước mà còn mở ra cánh cửa cho bạn bè quốc tế đến khám phá. Sự kiện không chỉ giúp Lạng Sơn và các tỉnh trong vùng khẳng định vị thế du lịch mà còn là cơ hội kết nối quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến khám phá Đông Bắc Việt Nam.

Lạng Sơn hân hoan chào đón du khách thập phương đến tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024
Lạng Sơn hân hoan chào đón du khách thập phương đến tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sự chủ động và tích cực của các đơn vị liên quan cùng sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024 hứa hẹn sẽ trở thành điểm hẹn văn hóa vô cùng đặc sắc, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với đại biểu, nhân dân và du khách, góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn phát triển, vươn xa.

Triệu Thành