Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây thạch đen hay còn gọi là cây Sương sáo, là loài cây bản địa được trồng từ rất lâu đời ở tỉnh Lạng Sơn, trong đó tập trung trên địa bàn các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng, với diện tích khoảng 2.000ha/năm, những năm được giá nhân dân mở rộng diện tích lên đến 3.000ha.

Cùng với đó, với vị trí thuận lợi về địa lý, tỉnh Lạng Sơn là cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, được coi là cửa ngõ đầu mối xuất nhập khẩu lớn mặt hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Lạng Sơn đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh cây thạch đen mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con nông dân biên giới tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Cây thạch đen đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ đạo sản xuất thành hàng hóa vùng tập trung, tăng sản lượng cây trồng và tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển cây thạch đen sẽ là xu hướng ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Đến nay, vùng trồng cây Thạch đen tỉnh Lạng Sơn được mở rộng lên 3.000 ha, tăng 37% so với năm 2020, sản lượng đạt 16.000 tấn. Tổng lượng sản phẩm Thạch đen xuất khẩu thô sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Trong đó riêng thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1.200 tấn với tổng kim ngạch đạt khoảng 2 triệu USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2020).

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm Thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương Việt Nam hỗ trợ tỉnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thạch đen trong nước. Trong đó, đưa sản phẩm thạch chế biến vào phân khúc chuỗi nhà hàng, siêu thị cấp cao; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát, chế biến dược liệu có uy tín, kinh nghiệm về chế biến đến Lạng Sơn khảo sát đầu tư nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen.

Hà Trần