Chùa Tam Thanh (TP. Lạng Sơn), điểm đến du lịch hấp dẫn du khách
Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng nói chung và khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nói riêng đã được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu thương mại và du lịch như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan danh lam, thắng cảnh, du lịch biên giới...
Ga quốc tế Đồng Đăng (Cao Lộc)
Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Qua đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cơ quan thành viên và thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo công tác phát triển du lịch, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào du lịch từ nhiều thành phần kinh tế.
Tỉnh tập trung công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh, nâng cấp một số lễ hội truyền thống.
Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại địa phương, dành nguồn lực nhất định cho hoạt động du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển du lịch...
Thành nhà Mạc (TP. Lạng Sơn)
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên, nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện hiệu quả Quyết định số 1685/QĐ-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tưởng Chính phủ về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 28/12/2017 của BanThường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 26/2/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 16/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khu du lịch sinh thái Hữu Liên (Hữu Lũng)
Qua đó, các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cần tăng cường đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nhất là tư duy phát triển du lịch trong kinh tế thị trường; cơ cấu lại ngành du lịch của tỉnh theo hướng dựa vào giá trị cảnh quan, văn hóa các dân tộc địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, tăng tính hấp dẫn với du khách; nâng cao chất lượng nhân lực du lịch và phát động cuộc thi thiết kế các mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh và con người Lạng Sơn, làm cho du khách biết nhiều hơn đến miền đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm, tiềm năng du lịch của Lạng Sơn.
Tăng cường hoạt động liên kết du lịch giữa Lạng Sơn và các tỉnh, thành phố phía Bắc góp phần đánh thức các tiềm năng du lịch của tỉnh.
Khu du lịch Mẫu Sơn
Cụ thể, giao Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng ở các điểm du lịch theo hướng có chọn lọc, trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên để có lộ trình đầu tư phù hợp, qua đó góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa bàn có lợi thế.
Giao Sở VHTT&DL, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp; tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm trọng điểm, xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến, quảng bá. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho du lịch phát triển trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phối hợp nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương và bảo đảm được yếu tố liên kết trong khu vực để phát triển du lịch; cần gắn du lịch với các sự kiện văn hóa, thể thao.
Khu du lịch Hang Gió (Chi Lăng)
Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch của ngành; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đặc trưng của cộng đồng về du lịch.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn; tổ chức thành công chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XI, năm 2019, bảo đảm hiệu quả và đúng tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn, định kỳ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tiếp theo.
Hiệp hội Du lịch tỉnh, cùng đồng hành và tích cực quan tâm đến các hoạt động du lịch của tỉnh để góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Xứ Lạng đến với nhiều du khách trong và ngoài nước; thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Dương Xuân Huyên nhấn mạnh!
Nguyễn Kiên