Cây lê xanh cổ thụ hơn 100 năm tuổi, được di thực từ xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc di thực cây lê xanh cổ thụ về Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà nhằm cụ thể hóa chủ trương lưu giữ và bảo nguồn gen bản địa làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng có giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lào Cai.
Từ những nguồn gen này, nhiều giống cây trồng mới đã được phát triển, nhân rộng thành các mô hình, vùng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người dân.
Tới đây, sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu, sưu tầm và di thực các cây bản địa trên địa bàn tỉnh về Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà, từng bước đưa nơi đây trở thành trung tâm lưu giữ nguồn gen quý cây trồng của khu vực.
Cây lê xanh có đặc điểm riêng so với các loại lê khác là ra hoa muộn hơn 1 tháng. Quả lê chín có vị chát, ngọt nhẹ, giòn. Trung bình mỗi quả lê có trọng lượng từ 400 - 600 g.
Trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có khoảng 10 ha lê xanh, trong đó chỉ còn khoảng hơn chục cây cổ thụ trồng rải rác ở xã Tả Van Chư, Lùng Phình, Lùng Cải…
Bà Chu Thị Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, tới đây, Bắc Hà sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai bảo tồn, nghiên cứu, lai tạo, nhân giống cây ăn quả bản địa để cung cấp cho người dân, góp phần đa dạng hóa cây ăn quả trên địa bàn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
H. Thủy (Nguồn: https://baolaocai.vn/)