Theo Kế hoạch, mục tiêu năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo khoảng 400 đội ngũ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng nghề cho 12.000 người; cung ứng khoảng 6.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Lào Cai tư vấn, kết nối giải quyết việc làm cho 14.495 lao động, trong đó 9.100 lao động là người dân tộc thiểu số, 6.523 lao động là nữ, vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho 3.200 lao động.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 50% GRDP của tỉnh; đóng góp 50% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 40 - 50% tổng vốn đầu tư trên địa bàn.

Lào Cai phấn đấu thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp trong năm 2024
Lào Cai phấn đấu thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp trong năm 2024 (Ảnh: Ảnh minh hoạ)

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Lào Cai sử dụng nền tảng số đạt trên 70%. Có trên 40% doanh nghiệp có tổ chức đoàn thể, 40% doanh nghiệp là hội viên chính thức của các tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trên 9% doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Lào Cai Phát động mạnh mẽ các chương trình khởi nghiệp, đưa tinh thần khởi nghiệp đến với mọi người dân. Lào Cai tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật, cơ chế chính sách; về chuyển đổi số; các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết… Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký doanh nghiệp và các điều kiện gia nhập thị trường; dịch vụ hỗ trợ tư vấn chính sách thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Lào Cai nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI; triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số DDCI. Đề xuất với VCCI thành lập Văn phòng đại diện cho khu vực Tây Bắc tại Lào Cai; nghiên cứu thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp. Lào Cai tiếp tục duy trì, đổi mới, nâng cao hiệu quả buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư.

Lào Cai tập trung rà soát, đánh giá, đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp, đảm bảo nhanh gọn và thuận lợi cho các nhà đầu tư. Lào Cai cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư về thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, thuê đất, đảm bảo an ninh trật tự và các lĩnh vực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính liên quan đến doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Ngoài ra, Lào Cai cũng sẽ thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả có trách nhiệm xã hội.

Nguyễn Mạnh