Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng
Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng (Ảnh: Quỳnh Nga)

Lễ hội nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần, là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân với các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Lễ hội cũng là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời việc tổ chức lễ hội đền Trần đã tạo điều kiện thuận lợi để Thái Bình có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Trần và các di sản thời Trần trên mảnh đất Hưng Hà. Lễ hội bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như: Lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục lại nghi lễ xa xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại… Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: Thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng…

Không chỉ được biết đến là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đặc sắc, đó là lễ giao chạ (kết nghĩa chị em) giữa 2 làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và làng Tam Đường (xã Tiến Đức) đã tồn tại hơn 7 thế kỷ, lễ rước nước và thi cỗ cá độc đáo thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đây thực sự là những nét sinh hoạt mang giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.

Kể từ khi di tích đền Trần được tôn tạo thì lễ hội luôn được duy trì.
Kể từ khi di tích đền Trần được tôn tạo thì lễ hội luôn được duy trì. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Song song với các hoạt động lễ hội, công tác quản lý cũng được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền được chú trọng, nhấn mạnh đến giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội là nhằm phát huy tinh thần thượng võ của nhà Trần cùng công lao to lớn của triều đại nhà Trần đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Thực hiện việc tổ chức lễ hội với phương châm tiết kiệm, an toàn, mang màu sắc văn hóa, không để xảy ra các hoạt động mang tính chất thương mại hóa; không tổ chức phát ấn nhằm tránh sự lộn xộn, phản văn hóa và những hiểu biết sai lệch của nhân dân về ý nghĩa của nghi thức khai ấn truyền thống của nhà Trần; chuẩn bị tốt các phương án về an ninh trật tự, an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho du khách.

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đền Trần đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần Thái Bình trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.

Định lệ hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước và nhân dân địa phương tới chiêm bái và tưởng nhớ, tri ân công lao vĩ đại của các vị vua triều Trần và các danh thần nhà Trần.

Lễ hội kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà nói riêng; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân mới.

Với thế mạnh về lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan môi trường, tạo đà cho việc phát triển văn hóa, du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình nói chung, của huyện Hưng Hà nói riêng, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Các hoạt động phần Lễ được tổ chức trong các ngày từ 22/02/2024 đến 26/02/2024 (tức ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng, năm Giáp Thìn). Các hoạt động phần hội được tổ chức trong các ngày từ 22/02/2024 đến 26/02/2024 (tức ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn), bao gồm: Tổ chức triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật; Tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; Thi têm trầu cánh phượng; Thi pháo đất; Giao lưu các câu lạc bộ Chèo; Thi cỗ cá; Tổ chức Ngày thơ Việt Nam; Liên hoan hát văn; Thi gói bánh chưng; Thi viết thư pháp; Tổ chức giao lưu các câu lạc bộ bóng chuyền nam; Thi vật cầu; Thi kéo lửa nấu cơm cần; Thi kéo co; Tổ chức giải cờ tướng (cờ biển).

Hàng năm, Lễ hội đền Trần luôn được duy trì với quy mô lớn. Hàng vạn lượt du khách từ nhiều tỉnh, thành phố đã về tham dự, năm sau đông hơn năm trước.

Hướng về Lễ hội đền Trần năm 2024, với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các vua Trần và các bậc tiền nhân đã có giữ nước, lớp lớp thế hệ người Thái Bình nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng; tích cực Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt.

Quỳnh Nga