Lễ hội “Hoa tam giác mạch” sẽ bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 12/2017 (Ảnh: Lê Hoàn)
Theo Ban tổ chức, lễ hội “Hoa Tam giác mạch” năm nay sẽ diễn ra trong thời gian từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12/2017 tại 04 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và TP. Hà Giang với chủ đề “Bản tình ca từ đá” bao gồm nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao, ẩm thực...
Đây là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời, cũng là cơ hội để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, những danh lam, thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hà Giang.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức 4 huyện vùng cao bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã gieo trồng được trên 570ha hoa tam giác mạch, chủ yếu là giống hoa màu đỏ. Trong đó, huyện Đồng Văn gieo trồng nhiều nhất với 550ha, huyện Quản Bạ 12,1ha; huyện Mèo Vạc 7ha và huyện Yên Minh trồng hơn 6ha.
Tại huyện Đồng Văn, địa điểm trồng hoa được quy hoạch tại các xã vùng trọng điểm như Phố Cáo, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú, Sủng Là, Sủng Trái và thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng. Diện tích hoa tam giác mạch trồng được tạo hình đảm bảo mỹ quan, không trùng lặp hình khối phục vụ du khách đến ngắm hoa.
Để kéo dài thời gian hoa nở phục vụ du khách theo từng thời điểm khác nhau, huyện chỉ đạo việc trồng tam giác mạch làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 20 - 30 ngày, bắt đầu trồng từ 20/8/2017. Đến nay một số diện tích hoa tam giác mạch trồng đợt 1 đã nở hoa phục vụ du khách trong và ngoài nước lên tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn trước mùa Lễ hội.
Tại huyện Mèo Vạc sẽ trồng 7 ha diện tích hoa tam giác mạch và được chia thành hai đợt. Đợt 1 sẽ trồng 2 ha tại khu vực trạm viễn thông Viettel xã Pải Lủng (hoàn thành trước ngày 15.9). Đợt hai sẽ trồng 5 ha trong đó: xã Pả Vi sẽ trồng 3 ha tại khu vực ngã 3 hạt 7; xã Giàng Chu Phìn trồng 1 ha tại khu vực ngã 3 hạt 7; xã Pải Lủng trồng 1 ha tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Còn tại huyện Quản Bạ tiến hành gieo trồng 12,1 ha Tam giác mạch ở các khu vực như: Thạch Sơn Thần của xã Quyết Tiến; điểm dừng chân Cổng Trời; tại các xã, thị trấn có Quốc lộ 4C đi qua và các điểm du lịch của huyện. Tại huyện Yên Minh, hoa được trồng tập trung tại xã Na Khê, xã Lao và Chải, điểm dừng chân.
Nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan dọc các tuyến đường, các địa diểm du lịch nổi tiếng, nhiều địa phương đã lên kế hoạch trồng hoa tam giác mạch theo quy hoạch diện tích trọng điểm. Tại nhiều vị trí, các địa phương chủ động tổ chức thiết kế tạo hình nhằm đem lại sự đa dạng, thhu hút du khách. Cùng với đó, phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc chỉ đạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc để hoa sinh trưởng, phát triển đảm bảo vệ độ cao, độ dày của các cánh đồng hoa Tam giác mạch.
Việc gieo trồng sẽ được các địa phương chia thành nhiều đợt với thời gian gieo trồng cụ thể để có thể để duy trì hoa tam giác mạch nở đến khoảng tháng 1/2018.
H.M