Đây là hoạt động có ý nghĩa thuộc khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ươngBà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương

Đến dự Lễ trao tặng có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… Đặc biệt là sự có mặt của 77 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề Thủ công mỹ nghệ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2020Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2020

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ; trong những thành tựu đó có vai trò, đóng góp quan trọng của ngành hàng thủ công mỹ nghệ, mang lại giá trị xuất khẩu không nhỏ cho đất nước, đồng thời là nhịp cầu đưa bạn bè năm châu tiếp cận giá trị văn hóa Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng AnThứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Để ghi nhận những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ cho phép tổ chức xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” cho các nghệ nhân. Ngành Công Thương tự hào và luôn đồng hành cùng các nghệ nhân, góp phần bảo tồn, quảng bá, kết nối giao thương, đưa ngành thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển và lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, thực hiện Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, Bộ Công Thương đã nhận được 92 hồ sơ của 15 Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến đề nghị xét tặng danh hiệu cho 10 Nghệ nhân Nhân dân và 82 Nghệ nhân Ưu tú.

Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức Đoàn Công tác đi đến tận cơ sở của 92 nghệ nhân, đánh giá thực tế; bỏ phiếu lựa chọn, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước Quyết định phong tặngdanh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 4 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 1 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân. Quyết định này đã thể hiện sự ghi nhận, quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các nghệ nhân trong phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.

Ngành nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò rất lớn trong triến trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành Công Thương. Gần 66 nghìn cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc (trong đó có 81 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được công nhận) đã thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia vào các nghề truyền thống, với thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông; các nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang có vị trí to lớn trong hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân, thị trường xuất khẩu càng được mở rộng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp tích cực tăng nguồn thu ngoại tệ, phát triển ngành du lịch, đống thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nhu cầu của người tiêu dùng là rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, những “báu vật nhân văn sống” đã lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa phát huy được truyền thống dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của Nghệ nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới”. Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá, các nghệ nhân được trao, công nhận ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có tính kế thừa qua các thế hệ; tiêu biểu ở nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau từ thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ… Đây là những nghề thủ công mỹ nghệ có tính truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính hiện đại. Có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành quà tặng chính thức phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong những năm vừa qua. Các nghệ nhân được vinh danh hôm nay là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với công lao, tài năng của nghệ nhân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn AnhBộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Phát biểu đáp từ tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" - chia sẻ, danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho các nghệ nhân hôm nay là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã có cống hiến không mệt mỏi trong việc gìn giữ và phát triển vốn quý thủ công mỹ nghệ nước nhà. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phong tặng nghệ nhân ở các năm tiếp theo; hiện nay, với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo sự đột phá mới cho sự phát triển của ngành hàng truyền thống đặc biệt này.

Sang năm mới 2021, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nghệ nhân phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp, giữ gìn và trao truyền giá trị nghề thủ công mỹ nghệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào an sinh xã hội; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương trên cả nước, đặc biệt quan tâm hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình khác của Bộ Công Thương; có các giải pháp hỗ trợ, hình thành liên kết sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo chuỗi giá trị bền vững gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng tại các vùng, miền, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.

Minh Anh