Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; lồng ghép các nội dung về đảm bảo an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ em, học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Thủ trưởng các đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhằm góp phần tích cực vào việc phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm; đối với các cơ sở giáo dục cần nhận thức đúng trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; biết cách chọn mua, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn, đấu tranh với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết không đưa thực phẩm chưa được kiểm định vào nhà trường.

Đồng thời huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện tổng vệ sinh khuôn viên nhà trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, bảo dưỡng công trình nước sạch, khử khuẩn môi trường bên trong, ngoài lớp học.

Nghiêm túc thực hiện công tác vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa là điều kiện thích hợp để dịch bệnh có thể bùng phát.

Phối hợp liên ngành và huy động các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu hủy mẫu thức ăn theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng khi tay bị bẩn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, tuân thủ việc ăn chín, uống chín, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm,…); đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phù hợp với độ tuổi, thể trạng của học sinh và điều kiện gia đình của học sinh.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý của các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong nhà trường nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh; báo cáo ngay và thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng liên quan khi có sự cố xảy ra tại các cơ sở giáo dục.

Thuận Yến - Thuỳ Linh