Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phân luồng khám, cách ly điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phòng chống lây nhiễm chéo; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh theo quy định; đảm bảo đủ cơ số thuốc điều trị bệnh sởi và các biến chứng bội nhiễm sởi; liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp Vitamin A liều cao hỗ trợ điều trị bệnh sởi theo văn bản số 4998/SYT-NV ngày 6/9/2024 của Sở Y tế; tăng cường công tác truyền thông về bệnh sởi lồng ghép với các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các khoa nội trú.
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm sởi để chuẩn bị thực hiện chiến dịch tiêm ngừa sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024.
Tiếp tục tiêm chủng vắc xin sởi cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi;
Thường xuyên theo dõi tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm và kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, đặc biệt tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi để người dân nhận thức và đưa trẻ đi tiêm ngừa đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là cơ quan đầu mối hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác phòng chống dịch sởi, xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi năm 2024, dự trù và cung cấp vắc xin, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.
Ngoài ra, theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch sởi trên địa bàn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện biện pháp xử lý triệt để ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 5/12/2012 về hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi, rubella.
Thuận Yến (t/h)