Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất; huy động kinh phí, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã hội để tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Trung thu cho các em; nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em thuộc hộ cận nghèo, trẻ em vùng nông thôn, trẻ em vùng biên giới, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em được vui Tết Trung thu.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động Tết Trung thu thiết thực và tiết kiệm, nhằm thu hút trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh góp phần để trẻ em phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần.
Định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi truyền thống; sáng tạo, tự tạo trò chơi, đồ chơi; sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước, không mua đồ chơi nhập khẩu kém chất lượng, có tính kích động, bạo lực tặng trẻ em; thăm tặng quà cho trẻ em.
Do đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức Tết Trung thu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; đồng thời, chỉ đạo tất cả các xã, phường, thị trấn và cụm dân cư đều tổ chức Tết Trung thu.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với văn hóa phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, độc hại, nguy hiểm đối với trẻ em.
Ngoài ra, chủ động bố trí kinh phí, huy động các tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà, trao học bổng và tham gia vui Tết Trung thu cùng các em.
Thuận Yến (t/h)