Theo đó, để kiểm soát, khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày 30/8/2021.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm, nhất quán các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, đảm bảo đúng tinh thần "ai ở đâu ở đó" và tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, "chặt ngoài, lỏng trong".
Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; tổ chức các tầng điều trị (mô hình 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế) một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện của từng địa phương; không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các cơ sở thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng,…
Tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch số 2465/KH-UBND ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh; trong đó lưu ý đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực và trang thiết bị để tổ chức nhiều điểm tiêm (cố định và lưu động), tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó tương ứng, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; trước mắt là kịch bản 20.000 ca bệnh.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ".
Giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phương án để nâng cao hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản… cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu phục vụ người dân, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức thực hiện lại "mô hình phát phiếu mua hàng thiết yếu" đảm bảo một hộ gia đình chỉ đi mua hàng thiết yếu một lần trong tuần với một khung giờ nhất định, tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân thông qua các mô hình như: "mô hình đi chợ hộ dân", "mô hình đi chợ cho nhóm hộ gia đình" và các mô hình hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hỗ trợ tiếp nhận người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở về từ tỉnh, thành phố, đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 và các văn bản khác có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có phương án đảm bảo sản xuất an toàn, đời sống nhân dân, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là hành vi không chấp hành đúng các quy định về giãn cách xã hội, đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh, thường xuyên thông tin, tuyên truyền để tất cả người dân, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nắm biết, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch nêu trên, góp phần nhanh chóng kiểm soát, khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thuận Yến – Thùy Linh